Bị khách hàng phản ánh gửi tiền tiết kiệm thành hợp đồng mua bảo hiểm vào hồi tháng 2, mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lại tiếp tục bị một doanh nghiệp phản ánh dù chỉ là trung gian giữ tiền cho một giao dịch thương mại, nhưng khi giao dịch bất thành, các doanh nghiệp thống nhất đòi lại tiền thì ngân hàng TPBank viện nhiều lí do để không hoàn trả.
Theo thông tin của phóng viên Công ty Cổ phần N&T, địa chỉ: phường 14, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng mua bán với Công ty Cổ phần nhựa TSP có địa chỉ tại: phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 27/10/2022.
Sau khi nhận được thư Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số BG 0110154 do ông Lê Tiến Sơn, Giám đốc TPBank, chi nhánh Hà Nội ký, ngày 11/11/2022, N&T đã chuyển đủ số tiền yêu cầu là 10,535 tỷ đồng vào tài khoản của bên được bảo lãnh theo chỉ định của TPBank.
Tuy nhiên, do công ty TSP không có hàng giao như cam kết nên ngày 10/1/2023, N&T đã gửi văn bản đề nghị TPBank, chi nhánh Hà Nội hoàn trả lại số tiền đã nộp. Công ty đã nộp đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu (gồm cả biên bản xác nhận việc Công ty TSP không thể đáp ứng hàng hóa theo hợp đồng) nhưng sau hơn 2 tháng, N&T vẫn chưa nhận được khoản tiền bảo lãnh cho giao dịch thương mại với TSP.
Được biết, lý do mà ngân hàng TPBank trì hoãn trả tiền là do văn bản của N&T có lỗi chính tả hoặc yêu cầu đích thân Tổng Giám đốc Công ty phải có mặt tại Hà Nội để làm việc.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, người được ủy quyền thay mặt và nhân danh Công ty N&T trong vụ việc này, ông chỉ là người đại diện đi đòi tiền. Tiền ngân hàng trả về sẽ vào tài khoản công ty chứ không phải tài khoản của cá nhân nên lý do TPBank đưa ra là không phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nhiều lần yêu cầu TPBank làm rõ khoản tiền 10,535 tỷ đồng hiện đang ở đâu, ai đang quản lý, giám sát… nhưng không nhận được sự hồi đáp.
Ngoài TPBank - chi nhánh Hà Nội, TPBank - chi nhánh Thăng Long có địa chỉ tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cũng bị doanh nghiệp "tố" chậm chễ trong việc trả tiền bão lãnh.
Cụ thể, ngày 23/11/2022, Công ty N&T ký hợp đồng mua bán với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất Nhập khẩu Phú Bình (TP. Hồ Chí Minh). Ngày 15/12/2022, TPBank - Chi nhánh Thăng Long đã phát hành thư Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số BG 0109207 do bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc chi nhánh ký. Căn cứ theo thư này, ngày 4/1/2023, Công ty N&T đã chuyển đủ số tiền yêu cầu là 10 tỷ đồng vào tài khoản của bên được bảo lãnh theo chỉ định của TPBank.
Do qua 60 ngày ký hợp đồng mà phía Phú Bình vẫn không có hàng giao như cam kết, ngày 2/3/2023, N&T và Công ty Phú Bình đã cùng kí Biên bản xác nhận thể hiện giao dịch thương mại giữa 2 bên thất bại, đồng thời thống nhất yêu cầu TPBank hoàn lại khoản tiền bảo lãnh.
Cùng ngày, phía N&T đã cử người đến TPBank- Chi nhánh Thăng Long yêu cầu trả lại tiền. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua, phía TBBank cũng chưa có bất cứ động thái nào trong việc trả lại tiền cho N&T khiến doanh nghiệp bức xúc.
Liên quan đến vụ việc, theo phản ánh và trao đổi với báo chí, ông Lê Tiến Sơn, Giám đốc chi nhánh TPBank Hà Nội xác nhận khoản tiền bảo lãnh hiện vẫn chưa được hoàn trả lại cho Công ty N&T theo yêu cầu. Ông Sơn nói “có nhiều vấn đề” nhưng từ chối giải thích chi tiết…
Một số luật sư đã có nhìn nhận về vụ việc này cho hay, trong giao dịch mua bán giữa các doanh nghiệp trong 2 hợp đồng thương mại kể trên, TPBank thuần túy chỉ là trung gian giữ tiền hộ. Số tiền bảo lãnh không phải của TPBank mà là của Công ty N&T. Trong trường hợp này, TPBank là đơn vị làm dịch vụ và được trả phí để thực hiện. Việc TPBank đang cố trì hoãn cho thấy có dấu hiệu bất thường, cần được các cơ quan chức năng làm rõ để tránh gây thêm thiệt thòi cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước đó, TPBank cũng bị khách hàng tố tư vấn sai lệch nhằm kí kết hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của công dân Nguyễn Hồng Anh (ở Hà Nội) phản ánh việc nhân viên Ngân hàng TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) có hành vi tư vấn sai lệch, nhằm ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho người có đơn tố cáo. Sau khi tiếp nhận đơn, Bộ Tài Chính đã chuyển đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an để xem xét, giải quyết… Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.