Mặc dù nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn, song tăng trưởng ngành xây dựng lại giảm nhẹ, và ngành khai khoáng sụt giảm… Đó là một số đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại họp báo tuần này tại Hà Nội
Sản xuất định hướng xuất khẩu- một điểm sáng trong bức tranh kinh tế
ADB chỉ ra rằng, nhờ du lịch tăng trưởng tốt nên khu vực dịch vụ tăng 6.9% trong sáu tháng đầu năm, cao hơn so với mức tăng trưởng 6,5% cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế tăng 30%, giúp các ngành dịch vụ gắn với du lịch tăng trưởng 8,9%. Dịch vụ ngân hàng và tài chính cũng tăng trưởng cao hơn, đạt 7,7% trong nửa đầu năm 2017, cao hơn so với mức 6,9% cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết tốt là yếu tố tích cực đóng góp cho mức tăng trưởng 2,7% sản lượng nông nghiệp trong sáu tháng đầu năm 2017, đánh dấu chuyển biến có tính bước ngoặt so với sự sụt giảm 0,2% cùng kỳ năm trước. Sản lượng trồng trọt tăng 2,0% so với mức sụt giảm 0,8%, trong khi sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản tăng 5,1% so với 1,2% của sáu tháng đầu năm 2016.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp giảm xuống chỉ còn 5,3% trong sáu tháng đầu năm, so với 7,0% cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác khoáng sản giảm 8,2% do giá than trên thị trường quốc tế giảm, chi phí sản xuất trong nước gia tăng, trữ lượng dầu mỏ và than đều cạn, bên cạnh đó còn do tác động của việc tăng thuế tài nguyên được áp dụng từ tháng 7/2016 (Hình 3.4.44).
Tăng trưởng của ngành xây dựng cũng giảm sút, đạt 8,5% trong sáu tháng đầu năm, so với 9,3% cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do cắt giảm chi tiêu khu vực công.
Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân tăng 7,0% trong sáu tháng đầu năm 2017, và tiêu dùng công tăng 7,2%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,5%, tương đương mức tăng trưởng 9,6% của sáu tháng đầu năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2017, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đạt 10,3 tỉ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước kim ngạch xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Kết quả xuất khẩu khá mạnh, do cầu tốt từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu và Mỹ. Xuất khẩu hàng hóa tăng 19% trong sáu tháng đầu năm (nhờ mức tăng ấn tượng trong xuất khẩu hàng hóa chế tác, như điện tử, điện thoại di động, dệt may và giày dép).
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng còn nhanh hơn xuất khẩu, làm cho con số xuất khẩu ròng bị sụt giảm trong nửa đầu năm. Nhập khẩu tăng mạnh để cung cấp đầu vào cho việc mở rộng các hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước cần nhiều đầu vào nhập khẩu, như điện tử, viễn thông và hàng gia dụng.
Lạm phát không cao
Báo cáo mới nhất mà Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố cho thấy lạm phát trung bình của Việt Nam đã tăng trong 8 tháng đầu năm 2017, xong vẫn tương đối thấp ở mức 3,8%, mặc dù lạm phát cơ bản đã tăng mạnh đến 6,9% so với cùng kỳ năm trước do các loại giá cả nhà nước quy định và phí dịch vụ y tế và giáo dục đã tăng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điều hành cũng được giảm nhẹ nhờ giá lương thực, năng lượng và giao thông vận tải đều bình ổn. Những tháng gần đây, tốc độ lạm phát tăng chậm. Chỉ số giá tiêu dùng công bố vào tháng 8 chỉ tăng 3,4% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 5,2% hồi đầu năm 2017.
Với lạm phát không cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có phản ứng giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 10/07/2017, giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 6,25% và lãi suất chiết khấu là 4,25%.
Lãi suất cho vay ưu đãi cho các ngành được ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng giảm, từ 7,0% xuống 6,5%, để tạo điều kiện hồi phục cho các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng đầu năm 2017 ước tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa nông nghiệp trở lại quỹ đạo tiến đến đạt mục tiêu tăng trưởng 18- 20% cả năm mà Chính phủ đề ra.
“Thâm hụt ngân sách đã giảm trong sáu tháng đầu năm xuống còn 0,9% GDP, thấp hơn so với 3,0% trong nửa đầu năm 2016. Thu ngân sách cải thiện mạnh và chi tiêu chính phủ tăng ở mức độ khiêm tốn hơn giúp thu hẹp bội chi ngân sách”- ADB đánh giá.
Thu ngân sách tăng 18,2% trong sáu tháng đầu năm, đạt tương đương 27,4% GDP. Trong các nội dung thu, thu phi thuế tăng 23,0% từ việc bán tài sản nhà nước bao gồm cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước.
Doanh thu thuế tăng 16% nhờ tăng thuế tài nguyên trong năm 2016. Số thu thuế thu nhập cá nhân tăng 20,8% trong sáu tháng đầu năm đi đôi với tăng trưởng việc làm. Trong khi đó, tốc độ tăng chi tiêu chính phủ khiêm tốn hơn, chỉ có 9,% trong sáu tháng đầu năm. Chi thường xuyên tăng 9,2% trong khi chi đầu tư tăng 11,2%.
Thặng dư thương mại giảm nhanh hơn dự kiến do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu (Hình 3.4.48). Trong sáu tháng đầu năm, thặng dư thương mại giảm xuống còn gần 1,5% GDP (so với 8,1% trong nửa đầu năm 2016).
Thặng dư thương mại và giá trị dịch vụ ròng đều giảm dẫn đến thâm hụt cán cân vãng lai ước tính vào khoảng 1,2% GDP trong nửa đầu năm 2017, trái với mức thặng dư cán cân vãng lai 6,2% cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, cán cân thanh toán tổng thể vẫn có thặng dư, ước tính đạt 2,7% GDP, nhờ vào thặng dư tài khoản vốn ước đạt 5,7% và chủ yếu nhờ kiều hối ổn định, đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng ở mức cao, và vốn đầu tư gián tiếp ròng tăng nhẹ.
Dự trữ ngoại hối trong tháng 6/2017 đạt 2,5 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, tăng hơn một chút so với mức 2,4 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2016.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tăng và thị trường tài chính trong nước mạnh lên đã tiếp sức cho thị trường chứng khoán.
Tiếp nối xu hướng mạnh lên trong 3 năm vừa qua, chỉ số giá cổ phiếu Việt Nam tăng 17,0% trong thời gian tính từ đầu năm đến tháng 7/2017. Tính đến cuối tháng 7, vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt tương đương 56,4% GDP, tăng lên so với 42,0% vào thời điểm cuối năm 2016.
“Cải cách cơ cấu tiếp tục có tiến triển, tuy rằng với tốc độ chậm hơn”- Báo cáo của ADB chỉ rõ- “Trong số 45 doanh nghiệp nhà nước nằm trong kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2017, tính đến cuối tháng 8 mới chỉ 22 doanh nghiệp bắt đầu bán cổ phần ra và chỉ có 6 doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu cho cả năm.
Tuy vậy, nguồn thu từ việc bán cổ phần các doanh nghiệp này nhìn chung vẫn đạt kế hoạch, cho phép chính phủ thu được 510 triệu USD trong sáu tháng đầu năm từ việc thoái vốn, tương đương 0,5% GDP. Chỉ tiêu cho cả năm 2017 là 1,0% GDP”.
Tiến độ đạt được trong tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu rất hạn chế. Mặc dù tỉ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu- ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, mặc dù chính phủ có kế hoạch tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng, song trong sáu tháng đầu năm 2017 không có một trường hợp sát nhập hay mua lại ngân hàng nào được thực hiện.