Nên hay không về quê ăn Tết: Lựa chọn khó khăn ở xứ tỷ dân

GD&TĐ - Vào dịp Tết Nguyên đán, Trung Quốc lại chứng kiến cuộc di cư lớn nhất của nhân loại, còn gọi là “Xuân vận”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hàng năm, hàng chục triệu người, từ mọi tầng lớp xã hội, rời các thành phố lớn, nơi họ làm việc, và trở về quê hương để sum vầy cùng người thân.

Năm 2021, số lượng người về quê đón Tết đã giảm mạnh do các hạn chế của Covid-19. Nhưng dòng người dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay, khi đại dịch đã được kiểm soát phần nào tại Trung Quốc.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 dự kiến diễn ra từ tuần này và kéo dài tới 25/2, khi dòng người trở lại thành phố. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính số lượng chuyến đi sẽ tăng nhanh đáng kể so với tổng số 870 triệu chuyến đi của năm 2021 và có thể vượt qua con số 1,5 tỷ hành trình của năm 2020, khi đại dịch mới bùng phát. Nhưng số chuyến đi sẽ không vượt qua mức 3 tỷ hành trình được ghi nhận vào năm 2019.

Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc đang đứng trước lựa chọn khó khăn liệu có nên về quê ăn Tết trong bối cảnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của nước này đang bị thử thách mạnh mẽ.

Gần đây nhất, chiến lược “Không Covid” của Trung Quốc, một nỗ lực cắt đứt chuỗi lây nhiễm, đã không đạt hiệu quả như mong đợi tại thành phố Tây An với 13 triệu dân.

Từ ngày 23/12/2021, Trung Quốc áp lệnh phong tỏa Tây An sau khi ghi nhận 150 ca nhiễm trong cộng đồng. Sau hơn 2 tuần phong tỏa, cụm dịch này ghi nhận hơn 1.600 người dương tính, thấp hơn mức nhiễm ở các quốc gia khác nhưng vẫn bị đánh giá là cao tại Trung Quốc.

Nhiều ca dương tính với biến thể Omicron, có khả năng lây nhiễm cao, cũng được ghi nhận ở hai thành phố lớn Thiên Tân và Thâm Quyến cùng một đợt bùng phát mới ở tỉnh Hà Nam. Điều này có thể khiến chính phủ áp lệnh hạn chế đi lại trong kỳ nghỉ lễ để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Khi trở về quê, người dân lo ngại sẽ mang theo nguồn lây nhiễm và có thể khiến cả khu vực bị phong tỏa nghiêm ngặt. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của địa phương, người dân cũng không thể trở lại làm việc tại các thành phố lớn, làm đứt gãy chuỗi hoạt động của các doanh nghiệp.

Một lý do khác khiến nhiều người chần chừ về quê ăn Tết là sự kiện Thế vận hội mùa Đông, khai mạc tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022, kéo theo hàng loạt biện pháp kiểm soát Covid-19 chặt chẽ khác. Nếu các biện pháp được tung ra khi người dân đón Tết ở quê nhà, họ sẽ không thể trở lại làm việc, nhất là khi thời gian áp lệnh hạn chế vẫn là ẩn số.

Ở tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc, nhiều người dân đang nghe ngóng tình hình trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng về phương án nghỉ Tết. Một số doanh nghiệp yêu cầu nhân viên cập nhật khai báo y tế hàng ngày, kích hoạt chiến lược theo dõi và truy vết nếu có ca nhiễm mới.

Người dân muốn rời khỏi thành phố phải được sự cho phép của chủ doanh nghiệp, cam kết tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 trước và sau khi trở lại làm việc. Do đó, việc rời khỏi tỉnh Quảng Đông trong dịp Tết năm nay là điều vô cùng khó khăn.

Khi người dân chần chừ với phương án về quê đón Tết, các chuyên gia y tế, chính quyền địa phương cũng lo ngại làn sóng “Xuân vận” khổng lồ năm nay sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch.

Bất chấp những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt, số lượng lớn người dân di chuyển cùng lúc vẫn là thử thách. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu chiến lược “Không Covid” có thể duy trì bao lâu nữa tại xứ tỷ dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ