Nên đưa bình đẳng giới thành môn học trong đào tạo sư phạm

GD&TĐ - Nên đưa bình đẳng giới trong giáo dục thành một môn học trong đào tạo sinh viên ngành sư phạm - đó là quan điểm của cô Mai Thị Thùy Dung (Trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).

Nên đưa bình đẳng giới thành môn học trong đào tạo sư phạm

Trả lời câu hỏi này, cô Mai Thị Thùy Dung cho rằng: Thứ nhất, nếu giáo viên được học về bình đẳng giới thì họ mới có thể dạy cho học sinh về bình đẳng giới khi họ đứng lớp.

Khi chưa được trang bị kiến thức khoa học về bình đẳng giới thì giáo viên chỉ biết đến bình đẳng giới qua các phương tiện thông tin, vì vậy, nếu có truyền đạt lại cho học sinh thì cũng ở mức độ rất hạn chế.

Giáo viên sẽ dạy hàng triệu học sinh đến từ hàng triệu gia đình trên toàn quốc. 

Nếu mỗi giáo viên đều có dạy học sinh về bình đẳng giới trong giáo dục thì phạm vi tác động và hiệu quả của giáo dục bình đẳng giới sẽ rất lớn.

Giáo viên còn làm công tác chủ nhiệm, họ sẽ đến nhà học sinh để vận động, thuyết phục gia đình và em nhỏ đến trường.

Thêm nữa, giáo viên cần đối xử bình đẳng với học sinh nam và học sinh nữ trong lớp học. Cần có phương pháp, kĩ thuật sư phạm công bằng trong cư xử với học sinh để tạo môi trường thân thiện đối với tất cả các em. Từ đó mới phát huy được hết khả năng của mỗi học sinh và đạt kết quả cao.

Các học sinh nữ được khuyến khích học không chỉ những môn thuộc khoa học xã hội như Văn học, Địa lí, Lịch sử, ngoại ngữ mà hoàn toàn có thể đạt điểm cao và đi sâu vào lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lí hay Hóa học.

Ngược lại, những học sinh nam không còn chịu định hướng riêng cho các môn khoa học tự nhiên mà cũng có thể phát huy năng khiếu, sở thích của mình ở lĩnh vực khoa học xã hội. Như vậy, mỗi cá nhân sẽ có thể phát huy hết năng lực bản thân và dám thực hiện ước mơ của mình.

Thứ ba, khi giáo viên nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới trong giáo dục và dạy điều đó cho học sinh thì bình đẳng giới nói chung sẽ được thúc đẩy trong toàn xã hội.

Việc hiểu quyền bình đẳng giới trong giáo dục sẽ giúp các học sinh dám nói lên nguyện vọng, ước mơ của mình và nỗ lực theo đuổi những mong muốn đó.

Điều này cũng góp phần giảm số học sinh bỏ học, thôi học, nhất là học sinh nữ ở vùng nông thôn. Học sinh nữ sẽ thôi không cam chịu “học để biết cái chữ” rồi ở nhà chăm sóc em nhỏ, làm việc nhà, việc đồng áng, mà có thể tiếp tục theo đuổi việc học của mình.

“Theo số liệu của Tổng cục thống kê, số học sinh nữ nhập học ở các cấp đang giảm dần, mặc dù dân số nước ta trong liên tục tăng. Cấp học càng cao thì số học sinh nữ nhập học càng giảm…

Ở đây, tôi phân tích số học sinh nữ ở cấp 3, vì đây là cấp học quan trọng, các em và gia đình phải đưa ra những quyết định về việc học, là nên tiếp tục, thi vào trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học hay là thôi học.

Và nếu các em được học lên cao, thì kiến thức về bình đẳng giới trong giáo dục có tác động lớn đến việc các em chọn ngành và trường học của mình.

Còn nếu các em thôi học, thì những kiến thức đó cũng có ảnh hưởng đến sự lựa chọn công việc, đòi hỏi quyền lợi và thù lao chính đáng của các em.

Do đó, để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ và thực hiện Luật Bình đẳng giới trong giáo dục, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm nên trang bị kiến thức cho các giáo viên tương lai về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng.

Đạt được bình đẳng giới trong giáo dục ở mỗi nhà trường sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và làm cho việc quản lí xã hội cũng như chất lượng nguồn lao động tăng lên. Trong quá trình đó, vai trò của người giáo viên rất quan trọng” - cô Mai Thị Thùy Dung phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ