Nemo’s Garden: Vườn rau đặc biệt dưới đáy biển

GD&TĐ - Ngoài khơi nước Ý, Nemo’s Garden – trang trại rau đầu tiên dưới đáy biển là một sáng kiến độc đáo, thú vị, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nemo's Garden cách làng Noli ở vùng Liguria (Ý) một trăm ba mươi mét ngoài khơi. Ảnh: Giacomo d'Orlando.
Nemo's Garden cách làng Noli ở vùng Liguria (Ý) một trăm ba mươi mét ngoài khơi. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

Vườn Nemo nằm ở độ sâu khoảng 8 mét dưới bề mặt đại dương, ngoài khơi biển Noli thuộc tỉnh Liguria (Ý), bao gồm 6 quả cầu sinh học bằng nhựa trong suốt trồng các loại thảo mộc, rau xanh và hoa.

Dự án Nemo’s Garden

Ban đầu, dự án được khởi xướng như một nỗ lực kết hợp niềm đam mê lặn biển và làm vườn của Sergio Gamberini, một kỹ sư hóa học và là chủ tịch của Ocean Reef Group. Năm 2012, Sergio bắt đầu phát triển nó thành dự án về cách trồng cây dưới đáy biển. Mục đích chính của Nemo’s Garden là tạo ra phương pháp trồng lương thực bền vững trong một thế giới ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Luca Gamberini, giám đốc dự án của Nemo's Garden, thu hoạch húng quế tại một trong những quả cầu sinh học dưới nước của khu vườn. Ảnh: Giacomo d'Orlando.
Luca Gamberini, giám đốc dự án của Nemo's Garden, thu hoạch húng quế tại một trong những quả cầu sinh học dưới nước của khu vườn. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

Bên trong 6 quả cầu sinh học, các loại cây được nuôi trồng trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ. Chúng phát triển mà không có bụi bẩn, ký sinh trùng và không cần thuốc trừ sâu.

Luca Gamberini, giám đốc dự án của Nemo's Garden cho biết: “Hoạt động tưới tiêu thông qua quá trình ngưng tụ, nghĩa là các bầu sinh quyển không lấy nước từ nguồn nước ngọt hiện có”.

Các kĩ thuật nuôi trồng cây dưới đáy biển

Các mái vòm của quả cầu sinh học được làm bằng polycarbonate nhẹ, trong suốt, gắn trên đất liền dưới đáy biển. Vùng biển được lựa chọn để lắp đặt Nemo’s Garden có nhiều nắng, dù ở độ sâu 6 đến 8 mét vẫn đủ ánh sáng đáp ứng nhu cầu quang hợp của cây. Đồng thời, bên trong các quả cầu cũng được lắp hệ thống đèn LED để bổ sung ánh sáng vào những ngày có ít ánh sáng tự nhiên.

Quá trình lắp đặt các quả cầu sinh học. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

Quá trình lắp đặt các quả cầu sinh học. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

Nhiệt độ ổn định của nước tạo ra môi trường phát triển ổn định cho các loài thực vật cả ngày lẫn đêm. Với nhiệt độ nước khoảng 25 độ C thì nhiệt độ trong lòng cầu có thể lên tới 29 độ C, đây là nhiệt độ thích hợp nhất cho sự sinh trưởng của các loại rau và các loại thực vật khác.

Nước ngọt cần thiết cho việc tưới tiêu được cung cấp tự động nhờ sự bay hơi của nước biển bên trong các quả cầu sinh thái. Nước biển sẽ bốc hơi do chênh lệch nhiệt độ và ngưng tụ lại trên bề mặt các quả cầu. Thực vật bên trong dựa vào nước ngưng tụ để đáp ứng nhu cầu độ ẩm cần thiết.

Emilio Mancuso, nhà sinh vật học phụ trách quá trình gieo hạt và trồng trọt. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

Emilio Mancuso, nhà sinh vật học phụ trách quá trình gieo hạt và trồng trọt. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

Ngoài ra, bên trong mỗi quả cầu đều được lắp đặt các cảm biến cho phép người quản lý nắm bắt thông tin về độ ẩm, giá trị pH, nhiệt độ, nồng độ carbon dioxide,...

Tất cả điều này cho thấy Nemo’s Garden là dự án hoàn toàn tự duy trì.

Sản phẩm từ Nemo’s Garden

Nemo’s Garden đang trồng húng quế, dâu tây, rau diếp và một số loại rau xanh khác để cung cấp thức ăn cho con người. Sau khi thu hoạch, cây được phát hiện có hàm lượng tinh dầu và chất chống oxy hóa cao hơn. Điều này cho thấy một tiềm năng trong nuôi trồng thực phẩm với hương vị tinh khiết và đậm đà hơn khi ăn.

Nhóm Ocean Reef kỷ niệm vụ thu hoạch trên một bãi biển gần văn phòng thực địa. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

Nhóm Ocean Reef kỷ niệm vụ thu hoạch trên một bãi biển gần văn phòng thực địa. Ảnh: Giacomo d'Orlando.

“Sau khi nếm một lá húng quế, tôi có cảm giác như đang ăn cả một cây vậy. Tôi chưa bao giờ ngửi thấy mùi húng quế nào hoàn hảo đến thế.”, Giacomo d'Orlando, một phóng viên ảnh đã dành nhiều tháng để ghi lại cảnh nhà kính dưới nước cho biết.

Mong muốn lớn hơn của dự án Nemo's Garden là công nghệ trồng cây dưới đáy biển có thể tiếp cận được những khu vực mà việc sản xuất lương thực ngày càng khó khăn do biến đổi khí hậu, sa mạc hóa đất và khan hiếm nước.

Theo The Washington Post, Interesting Engineering

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ