Né chi tiêu quá đà

GD&TĐ - Ứng xử với tiền mừng tuổi một cách hợp lý; Ăn uống không quá cầu kỳ; Giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết... là cách mà nhiều gia đình tiết kiệm chi tiêu vào dịp Tết.

Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội)
Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội)

Tiết kiệm từ tiền mừng tuổi

Tổng thu nhập của hai vợ chồng nhà chị Phương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) một năm qua giảm trông thấy. Suốt cả một năm chi tiêu trong gia đình phải cắt giảm triệt để, năm hết Tết đến, hai vợ chồng bàn nhau nhiều ngày làm sao để cái Tết năm nay tốn kém ở mức thấp nhất.

Cùng làm cơ quan nhà nước với mức thu nhập hàng tháng gần như bất di bất dịch, chị Phương cho biết hai năm vừa rồi thu nhập của hai vợ chồng ở cơ quan đã không được tăng lại còn giảm. 

Để nuôi hai đứa con tuổi ăn tuổi học, chị Phương đã chấp nhận nấu cỗ cưới thuê, có khi phải dậy sớm từ 3 - 4 giờ sáng, trời lạnh buốt hay mưa gió thì vẫn phải mò mẫm đi nấu cỗ. "Vất vả thế mà cũng chỉ để ra được tiền tiêu Tết"- Chị Phương tâm sự- "Hai vợ chồng đều là con cả, gia đình hai bên kinh tế chẳng dư giả, Tết nhất thôi thì phải lo đủ thứ cho nội, ngoại. 

Không tiết kiệm chi tiêu Tết có khi còn phải vay mượn rồi trả dần đến 1- 2 tháng sau Tết mới hết nợ". Tết năm nay, vợ chồng chị Phương nhất quyết sẽ cắt hết những khoản chi "vô lý" hay không cần thiết. Chị bảo: "Bỏ cái thói quen đến hẹn lại biếu quà Tết cho sếp. Năm nay nhất quyết chỉ đổi tiền 10 nghìn để mừng tuổi trẻ con ở quê, trẻ con ở quê đông thế cơ mà...

Anh Kính (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng áp dụng biện pháp tiết kiệm chi tiêu trong dịp Tết bằng cách dùng chính tiền 2 con anh được mừng tuổi để đi mừng tuổi lại họ hàng, con cháu, trẻ con bạn bè và hàng xóm ở quê. 

Hai đứa trẻ nhà anh Kính một đứa 5 tuổi, đứa học lớp 9 đã được bố mẹ làm "công tác tư tưởng" về tiền mừng tuổi từ trước Tết cả tháng. "Năm nay bố mẹ kiếm tiền khó khăn, các con sẽ chia sẻ tiền mừng tuổi để giúp bố mẹ tiết kiệm ngày Tết"- Anh nói với các con - "Bé Sim vẫn được giữ cái ví xinh mà mẹ mua cho từ Tết năm ngoái để giữ tiền mừng tuổi, bố mẹ sẽ để con cất những đồng tiền mừng tuổi đẹp có 2 và 3 số "0", còn những đồng tiền nhiều số 0". 

Riêng với cậu con trai đã lớn, đã biết mệnh giá của những đồng tiền, anh Kính thẳng thắn: "Anh Tôm sẽ chia sẻ khó khăn kinh tế với bố mẹ Tết này, anh Tôm sẽ chỉ giữ lại tối đa 500 nghìn đồng để mua truyện hoặc quà sinh nhật cho bạn cùng lớp. Còn tất cả số tiền còn lại anh Tôm cho bố mẹ mượn để làm tiền mừng tuổi. Trong năm khi nào anh Tôm cần bố mẹ hỗ trợ khoản tiền sinh nhật hay sách vở, đồ dùng học tập mới bố mẹ sẽ... giúp đỡ"

Ứng xử với tiền mừng tuổi một cách hợp lý là cách tiết kiệm được không ít tiền Tết ở các gia đình có điều kiện kinh tế trung bình.

Chi tiêu hợp lý trong ngày Tết.
Chi tiêu hợp lý trong ngày Tết. 

Ăn uống cân nhắc

Dịp Tết, chi tiêu cho ăn uống, giải trí là những khoản làm hụt không ít hầu bao của nhiều gia đình bình dân. Đặt vấn đề ăn uống không quá nặng, đặc biệt tránh lãng phí là cách mà không ít gia đình một vài Tết gần đây đã chú trọng.

Nhà chị Loan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay chỉ đặt mua 4 chiếc bánh chưng (thay vì mua hơn chục cái như mọi năm), gà cũng chỉ 2 con vừa vừa thắp hương 30 và mồng 1 (mọi năm chị toàn đặt 2 con gà trống cỡ 2 - 3kg), giò chỉ mua 1 chiếc (giảm một nửa so với năm trước), còn bánh, mứt, kẹo không mua chất kín cả cái bàn ăn trong bếp như mọi năm. 

Chị Loan chia sẻ: "Nhìn lại mấy cái Tết vừa rồi thì ăn uống có là mấy, chỉ nhỉnh hơn ngày thường một chút. Cứ mua cho thật nhiều thực phẩm, rồi để đến hết Tết chưa ăn hết. 

Đến nhà nội ngoại, họ hàng cũng lại thấy gà luộc, bánh chưng, rồi còn nem rán, canh măng, canh bóng, đĩa giò, món xào, thêm thịt bò bít tết, khoai tây chiên cho đổi món... 

Mâm nào dọn nên cũng đầy ú ụ thức ăn, rồi ăn uống nháo nhào lại cất gần nguyên vào tủ lạnh. Năm nay nhà em quán triệt, ăn là phụ, nghỉ ngơi là chính, không bày vẽ cho thừa mứa, phí của, tiết kiệm được cả khoản tiền mua đồ ăn Tết".

Tính toán như chị Loan thì nhà không giàu cũng tiết kiệm được tiền triệu nếu biết cách sắm vừa đủ đồ ăn thức uống, còn nhà có điều kiện thì đỡ lãng phí nhiều triệu chứ chẳng ít.

Đi lại, vui chơi hợp lý

Lại là sự chuyển dịch về cách ăn và chơi Tết. Để giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết vào dịp Tết, chị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ hai cái Tết gần đây gia đình chị đã kết hợp với gia đình cậu em để đi chung một xe taxi về quê vào dịp Tết, thuê một taxi 7 chỗ ngồi được cả hai gia đình, thay vì trước nhà nào nhà đấy thuê riêng xe, tốn kém gần gấp đôi chi phí đi lại về quê thăm chúc Tết ông bà, họ hàng.

Còn nhà chị Ly (Mỹ Đình, Hà Nội) thì mấy năm trước thường bỏ ra mỗi Tết từ vài chục triệu đến cả trăm triệu để đại gia đình đi chơi xa vài ngày. Nhưng năm nay nhà chị Ly cũng đã quyết định những ngày Tết chỉ về quê và đi thăm hỏi chúc Tết họ hàng, bạn bè, còn thời gian ở nhà nghỉ ngơi, chứ không rồng rắn đi chơi xa, vì chị bảo tưởng đi đến những khu du lịch vào dịp Tết thì không khí du xuân đặc biệt hơn, đại gia đình vui hơn. 

Nhưng mấy Tết vừa rồi, năm nào đi về lớn bé, già trẻ đều méo mặt vì mệt, khu du lịch nào cũng đông và đắt đỏ, mọi khoản chi phí cho một chuyến đi chơi đội giá lên gấp rưỡi, gấp đôi đi nghỉ vào thời gian bình thường. 

Dịp Tết cao điểm tour trong và ngoài nước, người đi thì đông, chi phí thì cao mà ăn uống thì không thoải mái. Tết năm ngoái, sau khi du hí 3 ngày Tết vô cùng tốn kém, về nhà con gái 6 tuổi của chị Ly ốm cả tuần, phải nghỉ lẹm cả vào thời gian phải đi học sau Tết. Nghỉ Tết dài mà sau Tết con thì ốm sút cân, mẹ thì mệt.

Tiêu tiền hợp lý, mua sắm cân nhắc, ăn uống vừa phải, vui chơi giải trí ít tốn kém, đang là xu hướng dịch chuyển của nhiều gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, nhằm hạn chế lãng phí không cần thiết và tiết kiệm được những khoản tiền không nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.