NATO xếp Huawei vào danh sách lo ngại đặc biệt

GD&TĐ - Tại cuộc họp ở Brussels hôm thứ Năm (24/10), các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã thảo luận về hệ thống viễn thông trong thời bình và thời xung đột. Ngoài các mối đe dọa và gián điệp không gian mạng, NATO cũng lo ngại về việc Bắc Kinh không ngừng tăng cường năng lực quân sự. Theo các nhà phân tích, mối đe dọa của Nga đối với liên minh đang dần nhường chỗ cho Trung Quốc.

Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tham dự hội nghị tại Brussels. 	Ảnh: Reuters
Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tham dự hội nghị tại Brussels. Ảnh: Reuters

Kêu gọi giải giáp vũ khí

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã bàn về nhiều vấn đề được cho là cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã phác thảo một loạt vấn đề trong chương trình nghị sự: Tình hình ở phía Đông - Bắc Syria, sứ mệnh và hoạt động của NATO từ Balkans đến Afghanistan, nghĩa vụ đóng góp tài chính của các nước thành viên và các mối đe dọa hiện hữu.

Nếu như trước đây, mối đe dọa mang tên nước Nga luôn được vang lên như những câu thần chú, thì giờ đây, Tổng Thư ký NATO thậm chí không đề cập trực tiếp đến Matxcơva.

Thật vậy, trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên gia về giải trừ quân bị, ông Jens Stoltenberg vẫn nói về mối quan hệ với “người hàng xóm phía đông” của mình. Ông bắt đầu bài phát biểu bằng những hồi ức khi còn phục vụ trong quân đội Na Uy năm 1979.

Chính xác hơn là các bài tập thường xuyên để đối phó với trường hợp bị tấn công hạt nhân. “Khi nghe tiếng còi báo động, người ta phải mặc áo khoác, ủng và găng tay để bảo vệ da. Trong trường hợp sống sót sau cuộc tấn công, chúng tôi đã có một bàn chải để làm sạch quần áo khỏi bụi phóng xạ” - Tổng Thư ký NATO nhớ lại. Ông Stoltenberg giải thích: Vào năm 1987, tất cả chúng tôi đều cảm thấy an toàn hơn nhiều.

Khi đó, Hoa Kỳ và Liên Xô đã ký Hiệp ước về các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để giải giáp vũ khí lại chỉ còn là câu chuyện của quá khứ. Sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Matxcơva vi phạm hiệp ước, Mỹ rời khỏi INF.

Trong khi đó, theo Tổng Thư ký NATO, mọi nguyên thủ quốc gia “có đầu óc hợp lý” đều quan tâm đến việc thiết lập kiểm soát vũ khí. Ông Jens Stoltenberg cho rằng: “Nga là hàng xóm của chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ.

Tôi tin rằng trong dài hạn kiểm soát vũ khí có thể được thiết lập”. Ông Stoltenberg liên tục kêu gọi Trung Quốc phải có nghĩa vụ tham gia kiểm soát vũ khí, ông ủng hộ sáng kiến của Mỹ - ký thỏa thuận ba bên giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga thay vì Hiệp ước INF.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper cũng khẳng định mối đe dọa của Trung Quốc ở Brussels. Phát biểu tại văn phòng của Quỹ Marshall của Đức, ông Mark Esper tuyên bố: “Khi thiết lập các ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ, Trung Quốc đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách các mối đe dọa tiềm tàng, Nga đứng thứ hai”.

Huawei - mối lo ngại đối với NATO
 Huawei - mối lo ngại đối với NATO

Mối đe dọa thế hệ thứ năm

Cũng tại cuộc họp, ông Jens Stoltenberg đã phác thảo chủ đề như sau: Thảo luận và đồng ý về các yêu cầu sẽ cho phép có “hệ thống viễn thông ổn định và đáng tin cậy, bao gồm 5G, cả trong thời bình và thời kỳ khủng hoảng hoặc xung đột”.

Ông nhắc lại: Điều 3 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nói rằng “các quốc gia thành viên bằng các nỗ lực độc lập liên tục và hiệu quả, duy trì và nâng cao năng lực cá nhân và tập thể để chống lại cuộc tấn công vũ trang”.

Và trong một vài năm tới, công nghệ 5G sẽ được sử dụng ở hầu hết các lĩnh vực, từ thiết bị gia dụng và xe không người lái đến thiết bị y tế và nhà máy điện hạt nhân, có thể trở thành vũ khí của một cuộc tấn công...

Theo ông Jens Stoltenberg, cần phải tiến hành “phục hồi hệ thống đáng tin cậy trong trường hợp khẩn cấp, giúp chính quyền các nước ưu tiên truy cập vào mạng lưới truyền thông trong thời kỳ khủng hoảng, phát triển kế hoạch quản lý rủi ro triệt để và lập hệ thống trao đổi thông tin giữa chính phủ và doanh nghiệp.

“Tôi hy vọng rằng, các Bộ trưởng sẽ đồng ý xem xét các yêu cầu này khi đưa ra quyết định ở cấp quốc gia về thiết kế, xây dựng và vận hành mạng lưới viễn thông của họ” - Tổng Thư ký NATO nói. NATO cho rằng, những rủi ro trước hết là mối đe dọa của các hệ thống mạng khác nhau và thứ hai là hậu quả của các công ty nước ngoài để lại khi họ giành quyền kiểm soát các hệ thống viễn thông.

Nguồn gốc của mối đe dọa là quá rõ ràng. Trước đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh NATO tránh thu hút Tập đoàn Huawei để xây dựng mạng 5G.

“Các quốc gia hợp tác với các công ty Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho an ninh mạng của họ” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cảnh báo vào tháng 9. Ông Mark Esper cũng lưu ý rằng “đây là công việc của các tổ chức thương mại như ngân hàng, bệnh viện và các phương tiện truyền thông, cũng như hợp tác quân sự và chia sẻ thông tin tình báo”.

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell thậm chí còn đe dọa: Washington có thể cắt giảm việc trao đổi thông tin bí mật với Đức nếu quyết định hợp tác với Huawei.

Nhà ngoại giao Mỹ Robert Streyer, người chịu trách nhiệm về an ninh mạng tại Bộ Ngoại giao, cũng cảnh báo Bỉ: “Theo luật pháp Trung Quốc, Huawei phải hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc”.

Ông Robert Streyer đặc biệt nhấn mạnh đến việc trụ sở NATO được đặt tại Bỉ, rằng “Mạng 5G của Trung Quốc có thể ngăn chúng tôi di chuyển quân đội nếu cần thiết hoặc nó có thể cho phép kẻ thù hiểu cách hoạt động của các hệ thống phòng thủ của NATO”.

Vấn đề ở chỗ, vào thời điểm hiện tại, Huawei là công ty duy nhất có thể sản xuất các thiết bị cho mạng 5G với “quy mô cần thiết và mức giá phải chăng”, trong khi các nhà mạng khác như Nokia và Ericsson tụt lại phía sau.

Đây là nhận định trong báo cáo được chuẩn bị vào đầu năm nay của các nhà phân tích tại Trung tâm điện tử NATO ở Tallinn. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, trong mọi trường hợp, việc xây dựng mạng 5G phải là một chiến lược của hãng chứ không phải là sự lựa chọn công nghệ”.

Các quốc gia được khuyến khích đi theo con đường của Vương quốc Anh, nơi Trung tâm đánh giá an ninh mạng Huawei (HCSEC) hoạt động dưới sự giám sát của các cơ quan tình báo. Một trong những mục tiêu của nó là nghiên cứu các rủi ro khi sử dụng các sản phẩm của công ty tại các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ngoài ra, theo báo cáo của Trung tâm Điều khiển học của NATO, cần phải hỗ trợ các công ty phương Tây cố gắng bắt kịp Huawei. Và cuối cùng, nên chú ý đến các sáng kiến của các nhà cung cấp châu Âu, một trong số đó là khi không có chính sách nhà nước thống nhất thì từ chối sử dụng thiết bị của tập đoàn Trung Quốc - không chỉ cho 5G, mà còn cho các thế hệ công nghệ di động trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ