Sẽ có 31 nước đồng minh tham gia 18 cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 25/10 đến 7/11.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg mô tả cuộc tập trận quân sự lớn này mang tính “phòng vệ và minh bạch”, đồng thời cho biết tất cả các thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), bao gồm Nga, đã được mời gửi tới các nhà quan sát.
Cuộc tập trận sẽ mô phỏng việc phòng thủ của một nước bị một kẻ xâm lược “giả tưởng” tấn công. Các nhà quan sát đã lưu ý rằng việc thiết lập cuộc tập trận năm nay có thể bắt nguồn từ những căng thẳng với Nga trong việc kiểm soát vùng Bắc cực có tầm quan trọng chiến lược.
Cuộc tập trận cũng sẽ thử nghiệm khả năng hoạt động của đồng minh trong thời tiết lạnh, tuy nhiên, dường như ít nhất một số nước thuộc NATO đã không chuẩn bị tốt cho binh lính trong thời tiết lạnh giá. Khoảng 1.000 lính Hà Lan tham gia tập trận đã được cấp 1.167 USD để tự mua đồ lót ấm áp phù hợp.
Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga và xảy ra xung đột ở phía đông Ukraine năm 2014, NATO đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự và hoạt động của mình dọc biên giới Nga, bao gồm ở các nước Baltic và đông Âu.
Chỉ trong vài tháng trước, liên minh này đã tổ chức một số cuộc tập trận. Hồi tháng 6, hơn 18.00 binh lính từ 19 quốc gia đã tham gia vào cuộc tập trận 2 tuần ở Ba Lan và Baltics.
Sau đó cuối tháng 8, Latvia đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trên lãnh thổ của mình kể từ khi dành được độc lập. Khoảng 10.000 lính từ hơn 10 quốc gia thành viên NATO đã tham gia tập trận.
Lượng binh lính NATO tại khu vực cũng tăng lên. Ba Lan đã đưa ra 2 tỉ USD để thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ của mình. Tại Na Uy, số lượng hải quân Mỹ đã tăng từ 330 lên 770.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận rằng “việc leo thang các hoạt động quân sự và chính trị của NATO ở khu vực Bắc Cực trên lãnh thổ phía bắc Na uy, ở khu vực lân cận Nga không phải không được chú ý”.