Theo dự báo Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng thế giới, năm 2031 quỹ BHXH của Việt Nam sẽ mất cân đối. Về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho rằng có lẽ là do mức đóng – hưởng của Việt Nam đang bị mất cân bằng. Mức đóng thì thấp mà hưởng thì cao. Mặt khác nguồn tích lũy quỹ của chúng ta cũng gặp khó khăn do tỷ lệ hưởng cao hơn.
“Mức đóng BHXH hiện nay đang là 22% tiền lương (cả doanh nghiệp và người lao động), một lao động 30 năm tham gia BHXH, thì trung bình sẽ đóng BHXH vào khoảng 66 tháng lương.
Khi về hưu họ được hưởng 75% tiền lương. Nếu cộng cả lãi thì BHXH có thể trả tối đa là 120 tháng tương đương với khoảng 10 năm sau khi nghỉ hưu.
Trong khi đó, hiện nay một lao động về hưu ở tuổi 60, so với tuổi thọ bình quân là 73 và kỳ vọng sống khoảng được gần 79 tuổi thì như vậy BHXH phải chi trả tiền lương hưu tới 19 năm.
Quỹ BHXH chỉ có thể đủ chi trả trong vòng 10 năm, còn 9 năm còn lại thì quỹ hết tiền nhưng vẫn phải chi trả. Âm quỹ hay không là ở chỗ này” – Ông Diệp nói.
Nếu nâng tuổi nghỉ hưu của lao động thêm 2 năm (từ 58 tuổi lên 60 tuổi với nam) thì trong 2 năm đó không phải trả tiền lương hưu cho người lao động, mà lao động lại đóng thêm 2 năm tiền BHXH. Như vậy chúng ta sẽ có thể tích lũy được lương hưu trong vòng 4 năm cho lao động.
Tuy nhiên, vẫn sẽ là chưa đủ bởi theo tính toán ở trên thì quỹ BHXH đang bị âm tới 9 năm. Có nghĩa là dù tăng tuổi nghỉ hưu thì chúng ta mới chỉ giải quyết tiền lương hưu thêm cho lao động được 4 năm vẫn còn âm mất 5 năm.
Các khách mời tham gia tọa đàm Bảo hiểm xã hội ngày 11/3.
Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn – Phó giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, đơn vị này đang phải thực hiện một loạt các giải pháp để kiểm soát quỹ.
Trước mắt tăng cường công tác quản lý để các quỹ được sử dụng đúng. Tích cực mở rộng đối tượng, mục tiêu, mỗi năm kêu gọi thêm được 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Tiếp tục cải cách thủ tục kêu gọi người tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời cải cách hành chính, cải cách công nghệ thông tin.
“Biện pháp giảm mất cân đối quỹ thì chỉ có ba cách. Một là tăng mức đóng, hai là giảm mức hưởng, ba là giảm quyền lợi…. tăng mức đóng thì khó khăn, bởi hiện nay mức đóng của Việt Nam đang khá cao so với các nước trong khu vực. Giảm mức hưởng và giảm quyền lợi thì không thể được, vì không nhân văn. Do vậy, chỉ có thể kéo dài thời gian đóng” – Ông Sơn nói.
Đồng ý với những phân tích và giải pháp nêu trên của đại diện BHXH Việt Nam và Bộ LĐTBXH, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh cần thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp.
Theo ông Lợi, trong số tất cả các giải pháp đó cần đẩy mạnh giải pháp nhằm mở rộng đối tượng. Vì chỉ có mở rộng đối tượng tham gia thì mới đảm bảo được tính bền vững lâu dài của quỹ.
“Chúng tôi vẫn lưu ý, BHXH cần chi tiêu hết sức tiết kiệm, chi đúng chi đủ, vì đây là tiền mồ hôi nước mắt của người dân. Tuyệt đối không được tăng biên chế, mà đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tăng cường chất lượng dịch vụ hướng tới cân đối quỹ BHXH” – Ông Lợi nói thêm.