Nặng lòng với rừng

Nặng lòng với rừng

(GD&TĐ) - Sinh ra và lớn lên tại vùng tứ giác Long Xuyên, ngay từ thời trai trẻ, ông Phạm Văn Tỉnh (Sáu Tỉnh) đã từng dãi nắng dầm mưa, ra đồng xuống bưng bắt cá, bắt rắn, rồi lại lên núi cuốc đất trồng cây, cả một đời lao động vất vả. Nay tuy đã 83 tuổi nhưng ông vẫn còn nặng nợ với núi rừng, ngày ngày leo núi trồng trọt, hái trái.

Ông Sáu Tỉnh (bên trái) lúc nào cũng cởi mở với mọi người
Ông Sáu Tỉnh (bên trái) lúc nào cũng cởi mở với mọi người

Xuất thân từ nghề bắt rắn     

Lúc mới đến đây, hành trang của ông chỉ có mấy bộ đồ và một ý chí quyết tâm. Vừa đặt chân tới núi, ông đã dựng lều để che nắng, che mưa. Tiếp đến là tìm nguồn nước và khai hoang phát rẫy. Để lấy ngắn nuôi dài, trước hết ông trồng đậu, trồng bắp (ngô) rồi dần dần trông thêm cây ăn trái. Suốt ngày, vợ chồng ông quần quật, khai phá tới đâu trồng cây tới đó, bất chấp mưa nắng dãi dầu. Bằng những bước chân chắc nịch và đôi tay khoẻ khoắn, ngày nào ông cũng đội nắng đội mưa để lên liếp, đắp mô đến nỗi da mặt sạm đen, bàn tay chai lì, nhưng không hề nản chí.

Ông cho biết, trước đây ông là một tay bắt rắn chuyên nghiệp ở vùng An Giang và Kiên Giang. Nơi nào có rắn là có dấu chân ông, xách đồ nghề ra đi một vài ngày, lúc trở về ít nhất cũng hai, ba bao rắn đủ loại, nhiều nhất là rắn hổ. Ngoài ra, ông còn là một thợ săn heo rừng nổi tiếng ở vùng Bảy Núi - An Giang. Nhưng cái thời “oanh liệt” đó đã qua lâu lắm rồi! Kể từ năm 1980 đến nay, ông đã “gác kiếm” vì thú rừng hoang đâu còn nữa mà săn với bắt.

Từ một thanh niên chuyên nghề săn bắt, bây giờ đến lượt phải đối mặt với núi rừng, thiếu thốn trăm bề, ông mong sao cho chân cứng đá mềm để sớm biến vùng đất “cày lên sỏi đá” thành những luống rẫy xanh rì và những vườn cây oằn trái. Ông nhớ lại, trước đây núi Cấm tuy nổi tiếng là một vùng sơn kỳ thủy tú nhưng do nạn phá rừng, đốn cây và săn bắn bừa bãi nên tài nguyên dần dần cạn kiệt. Đất đai mạnh ai nấy chiếm, người đến trước nhượng lại cho kẻ đến sau. Từ năm 1971 cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhìn những cánh rừng ngày nào cũng bốc khói, bị xẻo da xẻo thịt, lòng ông không khỏi ngậm ngùi. Dù vậy, ông vẫn ra sức vun trồng, không ngày nào cây cuốc rời khỏi tay ông, đôi chân ông giẫm nát trên các lối mòn để tìm đường nước và tìm chỗ đặt cây. Nơi cao ráo ông trồng xoài, gần đường nước ông đặt mít và ưu tiên dành chỗ đất cát bằng phẳng cho các loại chuối. Nhờ vậy mà không bao lâu cây đã bắt đầu vươn cao, xòe tán.

Hồi sinh vùng đất khát 

Năm 1982, khi vườn cây bắt đầu cho trái, cũng là lúc Nhà nước có chủ trương, chính sách khuyến khích bà con nông dân trồng rừng, trồng cây ăn trái để phủ xanh đồi trọc. Thế là ông bắt đầu tham gia trồng rừng nên chẳng bao lâu, vùng đồi hoang cỏ dại Ba Xoài đã được phủ kín bằng màu xanh ngút ngàn. Mục đích chính của ngành Kiểm lâm là muốn phủ xanh đồi núi bằng những loại cây đặc chủng ngắn ngày như keo tai tượng, keo bông tràm, đồng thời trồng thêm các loài danh mộc dài ngày. Nhà nước sẽ hướng dẫn kỹ thuật, nông dân chỉ ra sức phát dọn, đào lỗ, trồng và bảo vệ. Nhờ vậy mà từ ngày có chương trình trồng và quản lý rừng đến nay, những vạt rừng do chính bàn tay ông và một số hộ khác vun đắp đã dần dần vươn cao, giao nhánh và “trả ơn” cho người.

Vườn cây, vườn rừng của ông Sáu Tỉnh tại ấp Ba Xoài, xã An Cưh Biên

 Nhằm khuyến khích và đãi ngộ những người có công với rừng, chính quyền địa phương đã cấp sổ, công nhận quyền sở hữu 30 công đất rừng do ông khai thác từ nhiều năm qua. Khi rừng cây khép tán và vườn cây ăn quả bắt đầu thu hoạch thì cuộc sống gia đình ông cũng bắt đầu khá lên. Ông có 5 người con, tất cả đều nối nghiệp cha, cùng ra sức trồng rừng để góp phần phủ xanh đồi trọc. Tuy tuổi đã cao nhưng ý chí của ông lại càng cao hơn. Ông tự hào khoe với mọi người: “Sở dĩ tôi được khỏe mạnh đến ngày hôm nay là nhờ thường xuyên leo núi nên cơ bắp dẻo dai. Hơn nữa, cuộc sống ở đây tuy đạm bạc nhưng nhờ hít thở không khí trong lành, uống nước nguồn từ núi đá tinh khiết và ăn rau rừng sạch nên ít khi nào tôi bị ốm đau”.

Không ai ngờ trước đây khu vực Ba Xoài toàn là rừng rậm hoang vu, vậy mà nay đã trở thành những vườn rừng, vườn cây ăn trái đầy ấn tượng, núi rừng như thay da đổi thịt từng ngày. Sau ba mươi năm cày cuốc, ông đã trồng trên 5.000 cây rừng đủ loại, nhiều nhất là tràm bông vàng và các loài cây ăn trái như chuối, rải rác trên 10 công đất. Kế đến là xoài, mít… Trải qua bao năm tháng miệt mài và với tầm nhìn của một lão nông tri điền, ông đã biết chọn cây gì, trồng như thế nào để có hiệu quả và thích ứng với khí hậu, môi trường. Ông quả quyết ở vùng đất núi chỉ có cây xoài là chịu nắng hạn giỏi nhất so với các loài cây ăn trái khác. Tuy chưa phải là tỷ phú rừng xanh nhưng mỗi tháng gia đình ông cũng thu nhập ba bốn triệu đồng từ tiền bán trái cây. Giờ đây, tuy ở tuổi 83 nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, ngày ngày vẫn lên núi chăm sóc vườn cây với một tinh thần phấn chấn. Ông là một tấm gương của ý chí, của nghị lực và là hình ảnh đẹp của một nông dân trong thời kỳ đổi mới.n

Tấn Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ