Trò nghèo yên tâm đến lớp
Sách cũ ngoài tặng cho học sinh có nhu cầu còn được lưu trong thư viện để hỗ trợ những học sinh bị mất, hoặc làm hỏng, rách nát sách. Sách trong thư viện cũng là nguồn tài liệu để giáo viên tham khảo, phục vụ việc dạy học. Nguồn sách trao tặng tập hợp tại thư viện góp phần tạo thói quen đọc sách cho học sinh.
Quyên góp sách giáo khoa, sách tham khảo cũ cho các bạn học sinh nghèo là câu chuyện cũ nhưng ý nghĩa luôn rất mới ở các trường học địa bàn TP Vị Thanh (Hậu Giang). Điển hình như Trường THCS Lê Quý Đôn, mỗi năm có hàng nghìn quyển sách cũ được các em mang đến thư viện trường. Chia sẻ về việc tặng sách, em Ngô Minh Đạt, học sinh lớp 9 cho biết: Mỗi năm học, thấy các anh chị lớp trên đều dành tặng bộ sách đã học xong nên em cũng thực hiện theo. Bộ sách này em giữ gìn cẩn thận, sạch sẽ để tặng lại các em. Không chỉ em mà nhiều bạn khác cũng tặng sách. Em mong muốn những bộ sách này sẽ giúp nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường.
Không chỉ mang sách tặng cho các bạn, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn còn tích cực tuyên truyền bạn bè, người thân để mỗi người một hành động, việc làm góp phần mang sách đến gần hơn với trẻ em nghèo vào dịp đầu năm học mới. Theo lãnh đạo nhà trường, mỗi năm trường nhận được hàng nghìn quyển sách gồm SGK, sách tham khảo, truyện tranh và nhiều loại sách khác. Sách được trường phân loại và gửi tặng cho học sinh khó khăn. Sách không chỉ được tặng cho học sinh của trường mà còn cho các bạn ở trường lân cận như Trường Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Bùi Thị Xuân, Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Trần Quang Diệu…
Cô Trần Thị Hồng Linh, cán bộ thư viện Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: “Sách cũ, sách không còn sử dụng thay vì đem bán giấy vụn thì chọn và mang đến tặng bạn nghèo thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tạo thêm điều kiện cho các em đến trường”. Để tăng giá trị sách cũ, thư viện nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để tạo thói quen đọc sách trong thầy và trò; tạo góc đọc sách ấn tượng. Đặc biệt, các em có dịp chia sẻ câu chuyện hay, việc làm đẹp với bạn bè, thầy cô và người thân.
Tại ngôi trường còn nhiều khó khăn - Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), hoạt động tặng lại sách cũ được học sinh, giáo viên ủng hộ nhiệt tình. Do đặc thù vùng ven biển, có đông đồng bào dân tộc, cuộc sống của nhiều gia đình còn khó khăn. Việc tặng lại sách cũ để giúp đỡ học sinh nghèo đã trở thành điểm sáng, mang ý nghĩa nhân văn.
Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên nhà trường cho biết: “Vào đầu năm học, nhà trường tổng hợp danh sách để biết em nào có đủ SGK, em nào còn thiếu. Sau đó trường hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn có đủ bộ SGK trước khi bắt đầu năm học mới. Nguồn sách trao tặng chủ yếu được học sinh, phụ huynh tặng lại cho thư viện nhà trường. Thư viện là nơi tập hợp và phân phối sách kịp thời cho các em, đồng thời cũng là nơi để thầy cô giáo, học sinh đến đọc sách, tham khảo tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập”.
Lan tỏa hành động đẹp
Không chỉ nhà trường, tổ chức Đoàn, Hội cũng luôn đồng hành trong việc vận động, hỗ trợ tặng lại SGK cho học sinh nghèo. Huyện đoàn Đông Hải (Bạc Liêu) triển khai mô hình vận động SGK cũ hỗ trợ học sinh nghèo trên địa bàn. Với thông điệp: “Ai cần đến nhận, ai dư đến cho”, mô hình vận động SGK cũ của Huyện đoàn Đông Hải thu hút sự quan tâm của người dân trên địa bàn thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội và nhà hảo tâm.
Theo anh Cao Trọng Nghĩa, cán bộ Huyện đoàn Đông Hải, việc hỗ trợ SGK tuy nhỏ nhưng thông điệp mang ý nghĩa lớn. Đó là sự sẻ chia, đồng hành với thanh thiếu nhi nghèo với tinh thần đùm bọc, tương thân, tương ái. Qua đó góp phần giáo dục học sinh, thanh thiếu nhi biết trân trọng những gì đang có, giữ gìn cẩn thận SGK, đồ dùng học tập để tiếp tục phát huy giá trị...
Chia sẻ về việc hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy Trần Tuấn Thành, giáo viên Trường THPT Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: Hàng năm trường trao tặng những bộ sách cũ cho học sinh có nhu cầu trước khi bước vào năm học mới. Năm học 2022 - 2023, bộ SGK lớp 11, lớp 12 nhà trường vẫn trao tặng nếu các em có nhu cầu. Những học sinh bị mất sách, hoặc làm hỏng, rách nát, nhà trường cũng hỗ trợ đủ. Nguồn sách trao tặng chủ yếu do nhà trường vận động vào cuối năm học.
“Đây là phong trào ý nghĩa được thầy cô, phụ huynh, học sinh đồng tình ủng hộ. Nhiều học sinh sử dụng sách cẩn thận để trao tặng lại cho học sinh lớp dưới. Sự sẻ chia lan tỏa từ mô hình ý nghĩa này là nguồn động lực lớn giúp nhiều gia đình khắc phục khó khăn trước mắt, tiếp tục nỗ lực để con em được vui bước đến trường”, thầy Thành chia sẻ.