Nâng “chất” đào tạo giáo viên qua công tác Đoàn

GD&TĐ - ThS Vũ Ngọc Toản (Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng, những hoạt động Đoàn không chỉ là “rong trống mở cờ” mà thực sự có tác động không nhỏ đến chất lượng đào tạo các giáo viên tương lai. Điều quan trọng là biết cách làm.

Nâng “chất” đào tạo giáo viên qua công tác Đoàn

Cho đoàn viên luân phiên “vai” lớp trưởng

Theo Thạc sĩ Vũ Ngọc Toản, những buổi giao lưu, gặp gỡ, các hoạt động tập thể do Đoàn Thanh niên tổ chức giúp sinh viên cọ xát, xóa bỏ rào cản tâm lí, nhút nhát.

Tại các chi đoàn, để tránh áp lực đè nặng lên vai lớp trưởng, thành viên khác thì ì ạch, ỷ lại, các chi đoàn có thể phân công thành viên trong lớp làm lớp trưởng và bí thư luân phiên. 

Các thành viên đều tham gia vào công tác tổ chức hoạt động cho lớp khi mỗi người luân phiên đảm nhiệm vai lớp trưởng. Cứ như vậy, mỗi tuần một lần, lớp có một lớp trưởng mới.

Nhưng lưu ý, cách làm này rất cần các thành viên hưởng ứng tích cực, nếu không sẽ rất rệu rã và nhàm chán.

Sau cách trên, nếu các thành viên vẫn yếu kém, có thể tập hợp lại thành một nhóm, các thành viên sẽ làm việc theo nhóm trước các hoạt động của lớp của khoa, cùng bàn bạc thống nhất để đưa ra giải pháp.

Tất cả các biện pháp trên sẽ thực hiện tốt nếu có sự quan tâm, tư vấn, chia sẻ của cán bộ đoàn là giảng viên các khoa; như vậy các mục đích đặt ra sẽ bước đầu có tính hiệu quả, không nặng về hình thức.

Nhưng, với chương trình học tín chỉ, việc tập hợp sinh viên đang có nhiều hạn chế nên các chi đoàn phải chủ động thống nhất các ngày có thể họp lớp.

Tổ chức đoàn là cấu nối với trường phổ thông

Thạc sĩ Vũ Ngọc Toản cho biết, việc có được một cầu nối giữa các trường sư phạm với các trường phổ thông là rất cần thiết. Chính sinh viên sẽ phải tham gia trực tiếp vào việc giáo dục học sinh, chỉ có qua tự trải nghiệm mới dần dần hình thành kĩ năng nghề nghiệp.

Nếu chỉ dừng lại ở việc giải quyết các tình huống trên lí thuyết, sẽ rất khó khăn khi gặp phải các tình huống thực tế.

Để có thể làm được điều này, tổ chức đoàn cần liên hệ trực tiếp với các trường phổ thông. Sinh viên sẽ làm việc theo nhóm nhỏ ,từ 2 đến 3 người một lớp, mỗi sinh viên phụ trách một mảng giáo dục và lên kế hoạch cá nhân mỗi tuần dựa vào lịch học của học sinh.

Ví dụ, để giáo dục về an toàn giao thông, sinh viên không cần thuyết trình nhiều, chỉ cần dẫn các tốp từ 4 đến 5 học sinh đi thực tế ở bên ngoài. 

Từ đó, tự mỗi học sinh sẽ rút ra các kinh nghiệm, cần cẩn thận khi tham gia giao thông như: Không đi ngược chiều, không vượt đèn đỏ, phải có gương chiếu hậu, phải kiểm tra phanh xe trước khi đi,…

Hay để giáo dục cho học sinh hiểu biết về sức khỏe sinh sản, sinh viên cần có kiến thức tốt về lĩnh vực đó, phải tự tìm hiểu trước khi hướng dẫn học sinh, chọn hình thức tổ chức là hoạt động ngoại khóa.

Vì nhiệm vụ trọng tâm của sinh viên vẫn là học tập chuyên môn, nên các em chỉ phải xuống các trường phổ thông từ 1 đến 2 buổi trên tuần, mỗi lần xuống là một vấn đề được triển khai; sau đó, cần theo dõi diễn biến tâm lí học sinh, kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm để uốn nắn kịp thời.

Đoàn thanh niên cũng có thể tiến hành thăm dò ý kiến học sinh về các thầy, cô thực tập để đánh giá xếp loại đoàn viên. Có tuyên dương khen thưởng và phê bình. Tương lai, có thể liên hệ công tác cho sinh viên nếu sinh viên làm tốt công việc của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ