Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông
Xác định công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học có ý nghĩa quan trọng, giúp học sinh, sinh viên sớm hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, qua đó góp phần bảo đảm an toàn cho chính các em cũng như cộng đồng.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Thượng tá Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, giữ gìn an ninh trật tự, giảm thiểu tình trạng vi phạm, tai nạn giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức học sinh, sinh viên.
Cụ thể, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục tổ chức đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền miệng, sân khấu hóa, hướng dẫn thực hành, tham gia giao thông… Riêng năm 2022, đơn vị đã phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông, các cơ quan báo chí, truyền hình, phòng PX03 – Công an tỉnh xây dựng 158 tin bài chuyên đề An toàn giao thông với cuộc sống, 36 phóng sự về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Tổ chức 19 buổi tuyên truyền sân khấu hóa và 68 buổi tuyên truyền miệng Luật giao thông đường bộ cho khoảng 43.300 lượt học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, đơn vị còn tích cực tổ chức 20 buổi với 240 lượt triển lãm ảnh và cấp phát trên 20.000 tờ rơi, 120 băng rôn tuyên truyền Luật giao thông đường bộ.
Lễ ra mắt mô hình Cổng trường An toàn giao thông tại trường Cao đẳng Thái Nguyên. |
Đặc biệt, xây dựng mô hình “Cổng trường An toàn giao thông” nhằm đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục giúp học sinh, cán bộ giáo viên, công nhân viên trong nhà trường hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong mọi hoàn cảnh. Xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện và sớm hình thành ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Tăng cường phối hợp giữa trường học, gia đình và cơ quan chức năng
Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung, TP. Thái Nguyên cho biết: Năm học 2022 – 2023, nhà trường có tổng số 1.101 học sinh với 25 lớp, trong đó số học sinh sử dụng phương tiện giao thông tới trường là 420 học sinh.
Xác định công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học có ý nghĩa quan trọng, nhà trường đã thực hiện các mô hình như: “Đội thanh niên xung kích”, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban An toàn giao thông tỉnh để phát động, duy trì lồng ghép tuyên truyền Luật an toàn giao thông trong các buổi học ngoại khóa, trong dạy học các môn xã hội. Nắm bắt thông tin về học sinh vi phạm để từ đó có hình thức xử lý thích hợp. Đồng thời, thông báo tới phụ huynh học sinh về những vi phạm của con em mình, từ đó kết hợp nâng cao ý thức cho học sinh về chấp hành luật giao thông.
Trường THCS Quang Trung phối hợp với Công an thành phố Thái Nguyên tổ chức ký cam kết cho học sinh, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo An toàn giao thông. |
Ngoài ra, hằng năm nhà trường đã phối hợp với Công an thành phố Thái Nguyên triển khai tổ chức ký cam kết cho học sinh, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông gắn với cam kết không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội.
Em Đỗ Thủy Quyên, học sinh lớp 8A4 trường THCS Quang Trung cho biết: Hiện nay, em đang sử dụng xe đạp điện để tới trường, do đó việc nhà trường phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền về luật an toàn giao thông có ý nghĩa quan trọng và vô cùng hữu ích đối với mỗi học sinh, chúng em được lắng nghe, chia sẻ và thực hành các quy định khi tham gia giao thông và ký cam kết nghiêm túc chấp hành quy định về an toàn giao thông.
Qua đó, bản thân em cũng như các bạn đều nâng cao nhận thức và ý thức, nghiêm túc chấp hành việc không đi xe máy khi chưa đủ 18 tuổi, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện và không dàn hàng ngang khi đi đường…
Thông qua các hoạt động bổ ích mỗi học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực vận động người thân, gia đình chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. |
Nhờ triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, trong 3 năm trở lại đây, trường THCS Quang Trung không có cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh vi phạm luật an toàn giao thông, không xảy ra các trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Như vậy, để phòng ngừa vi phạm và tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh, thiếu niên cần có sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là của nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa thời lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, an toàn giao thông cho các lứa tuổi.
Mặt khác, giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành tốt luật giao thông đường bộ, thực hiện tốt văn hóa giao thông không phóng nhanh, vượt ẩu, không lạng lách, đánh võng, đã uống rượu bia, không lái xe và thực hiện ứng xử nhường đường khi tham gia giao thông, bởi đây là một trong những điều kiện quan trọng góp phần hạn chế, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông.