Bởi vậy, để tạo cho HS có được thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong trường học là hết sức quan trọng. Ý thức được điều đó, nhiều nhà trường đã có những phương pháp tổ chức thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc trong HS, trong đó đặc biệt được chú trọng là việc phát triển và đổi mới hệ thống thư viện học đường.
Tạo thói quen đọc sách cho HS
Việc học tập, tìm hiểu tri thức bộ môn và cuộc sống qua kênh sách bằng hình thức đọc tuy là phương pháp truyền thống nhưng không hề cũ đối với người học. Chính vì vậy để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện nhiều nhà trường đã đưa hoạt động văn hóa đọc trở thành những nội dung ngoại khóa bổ ích tới HS.
Trao đổi về điều này, cô Nguyễn Ngọc Trâm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học (thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) - cho biết: Văn hóa đọc góp phần hình thành nhân cách HS, giúp các em phát triển toàn diện cả về giáo dục và trí dục. Những trang sách hay mở ra cho các em những thế giới muôn màu, hướng các em biết yêu cái đẹp, biết cảm thụ cái đẹp.
Song song với đó hoạt động đọc sách còn hỗ trợ rất nhiều tới quá trình dạy và học của thầy và trò. Những cuốn sách hay sẽ mang đến cho mỗi học sinh về kỹ năng sống cùng những kiến thức liên môn hết sức đa dạng và phong phú.
Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, Trường THPT Nguyễn Thái Học đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi HS nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập và cuộc sống; giúp các em hiểu rằng sách là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, một cuốn sách tốt giống như một người bạn hiền… Xuất phát từ mục đích đó, nhà trường đã đầu tư và xây dựng hệ thống thư viện nhằm đưa văn hóa đọc tới gần hơn từng HS.
Tại Trường THPT Nguyễn Thái Học, ngoài thư viện chung, nhà trường đã khuyến khích các lớp xây dựng những tủ sách thân thiện ngay tại từng lớp học. Nhờ vậy, mỗi HS dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi.
Cô Nguyễn Thị Nha Trang, giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn của trường, chia sẻ: Từ khi nhà trường phát động phong trào đọc sách, các em HS đã hết sức hào hứng. Với sự chung tay của giáo viên, phụ huynh và HS, hàng ngàn cuốn sách đã được mang tới chia sẻ cho tất cả mọi người.
Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô còn hướng dẫn cho các em các kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho học sinh cách chọn lựa các đầu sách hay. Mỗi tháng HS đều viết bản thu hoạch của riêng mình về những cuốn sách bổ ích mà mình đã được đọc.
Đặc biệt để hưởng ứng Ngày hội sách, nhà trường còn mời các nhà văn, nhà thơ và các chuyên gia tới nói chuyện về các vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Với những buổi nói chuyện như vậy, HS được cập nhật thêm nhiều kiến thức phong phú, truyền cho các em tình yêu với tri thức. Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa những nội dung như Phòng cháy chữa cháy, An toàn giao thông, Giáo dục dân số và sức khỏe sinh sản… cũng được lồng ghép Tuyên truyền và cập nhật tới từng đối tượng HS.
“Đến thời điểm này, hoạt động đọc đã trở thành một nếp quen thường xuyên tại Trường THPT Nguyễn Thái Học và lan tỏa tới cả phụ huynh HS”, cô Nguyễn Ngọc Trâm tự hào khẳng định.
Tiếp cận với thư viện điện tử
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, bên cạnh việc đọc sách giấy in truyền thống, thì vấn đề trang bị và giúp HS tiếp cận với tri thức thông qua mạng Internet cũng hết sức quan trọng. Không chỉ cập nhật các kiến thức thông qua các bài giảng điện tử, các thầy cô còn hướng dẫn học sinh biết tìm hiểu, khai thác các thông tin hữu ích trên các trang mạng đáng tin cậy và phù hợp với lứa tuổi của các em.
Tại Trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân (Hà Nội), từ lâu đã có cách làm khá thú vị: Không chỉ định hướng HS đọc qua sách giấy mà nhà trường còn thực hiện tốt vấn đề phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số.
Cụ thể cách làm này, lãnh đạo nhà trường cho biết, hàng ngày các giáo viên đã tích cực sử dụng phương tiện dạy học kỹ thuật số như băng, đĩa, máy chiếu đa vật thể, máy chiếu projector... để giúp các em HS được “nghe sách” thường xuyên hơn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh học sinh đến đọc sách tại các thư viện cộng đồng, đặc biệt thường xuyên truy cập theo dõi thông tin từ trang website của nhà trường…
Bên cạnh đó, tăng cường các buổi chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn về việc tư vấn, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên Internet; Tiếp tục xây dựng “thư viện dùng chung” trong nhà trường và lớp học, khuyến khích các em chia sẻ và trao đổi truyện đọc; khuyến khích học sinh mua báo Đội với các chuyên mục bổ ích và lý thú.
Để khuyến khích thói quen đọc sách cho HS, thư viện nhà trường còn áp dụng hình thức hoạt động mới bằng các giải pháp như: Phát thẻ đọc cho HS được đọc sách trong các giờ ra chơi, chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; lồng ghép tổ chức những hoạt động như: Thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể của khối…
Chính nhờ những hoạt động thực tiễn này của Ban giám hiệu đã giúp văn hóa đọc có thêm sự lan tỏa trong các em HS nhà trường, qua đó truyền thói quen tốt tới gia đình các em.
(Trích hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc phát huy hiệu quả hệ thống thư viện trường học)