Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6 năm 2010), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật thanh tra (sửa đổi). Sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.
Thanh tra Chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các quyết định thanh tra của mình. ảnh MH |
Về địa vị pháp lý của cơ quan Thanh tra, UBTVQH nhận thấy, theo quy định tại khoản 5 Điều 18 của Luật tổ chức Chính phủ thì trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp, Chính phủ có nhiệm vụ “tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra nhà nước; tổ chức và chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc trách nhiệm của Chính phủ”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 22 của Luật tổ chức Chính phủ thì việc phân công quản lý nhà nước được quy định như sau “bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước”.
Đối chiếu những quy định này thì Thanh tra Chính phủ phải có địa vị pháp lý như các bộ, cơ quan ngang bộ khác, tức là có địa vị pháp lý độc lập, có phạm vi quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực riêng. Trong trường hợp này là thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…, chứ không thể chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ (thể hiện ở các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn). Mặt khác, do hoạt động thanh tra là nhằm bảo đảm sự tuân theo pháp luật của các đối tượng chịu sự quản lý nhà nước, cho nên để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì bản thân hoạt động thanh tra cần phải được thực hiện độc lập và dựa trên cơ sở pháp luật (nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra).
UBTVQH cho rằng, việc sửa đổi Luật thanh tra lần này cần phải theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung về các hoạt động, quyết định của mình. Đây chính là định hướng đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 48/2005/NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khi đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra, cụ thể là “bảo đảm mọi hoạt động quản lý nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ”. Đồng thời, đây cũng chính là định hướng của Chính phủ được nêu rõ tại Nghị quyết số 21/2009/NQ-CP ngày 12/5/2009 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, cụ thể là “Nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thanh tra theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước... tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra... tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận của cơ quan thanh tra”. Chính vì vậy, cần tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng bảo đảm cho Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt vai trò giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra tương tự như các bộ, cơ quan ngang bộ khác và theo đúng quy định của Luật tổ chức Chính phủ.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp hiện hành; đồng thời, để tránh xáo trộn tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm sự ổn định về tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra, trong giai đoạn trước mắt khi chưa thể thực hiện được theo phương án tổ chức cơ quan thanh tra độc lập với cơ quan quản lý nhà nước thì cần phải đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối.
Cụ thể, đối với Thanh tra Chính phủ cần xác định vừa là cơ quan ngang bộ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vừa là cơ quan thực hiện hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các quyết định thanh tra của mình. Đối với các cơ quan thanh tra khác cũng được cũng được tổ chức theo hướng trên.
Quang Anh