Nâng cao tay nghề cho sinh viên ngành y: Trường, viện cùng vào cuộc

GD&TĐ - Thực tập là một phần không thể thiếu với sinh viên các trường CĐ, ĐH. Thực tập lại càng quan trọng với sinh viên ngành y bởi nó giúp các em chuyển từ học lý thuyết sang thực hành lâm sàng và cận lâm sàng, làm quen với môi trường, áp lực bệnh viện… để không còn bỡ ngỡ khi chuyển từ môi trường học đường sang bệnh viện, cơ sở nghiên cứu.

Nâng cao tay nghề cho sinh viên ngành y: Trường, viện cùng vào cuộc

Thay đổi chương trình học

Cùng với tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu bệnh tật từ các bệnh truyền nhiễm sang không truyền nhiễm, sự xuất hiện của các bệnh mới nổi, bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và già hóa dân số… đòi hỏi các trường y có sự chuyển đổi tương ứng.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng Nguyễn Thanh Hương, sự thay đổi của mô hình bệnh tật trong những năm qua là động lực thúc đẩy trường phát triển nhiều chuyên ngành mới.

Theo đó, từ một chuyên ngành duy nhất là y tế công cộng nay đã phát triển thành 7 chương trình đào tạo từ ĐH đến tiến sĩ. Với quan điểm lấy chất lượng và đáp ứng thực tiễn là mục tiêu đào tạo nên trường thường xuyên cập nhật chương trình tiên tiến cũng như đổi mới phương pháp nhằm hướng đến chương trình GD hiện đại gắn liền với thực tế.

Năm 2008, trường chính thức là thành viên của hệ thống TropEd (Chương trình cao học về sức khỏe quốc tế). Gần đây nhất, trường đã được Hệ thống đảm bảo chất lượng các trường ĐH Đông Nam Á cấp chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ThS Y tế công cộng. Đây là trường ĐH đầu tiên trong khối y dược đạt kiểm định này.

Một khảo sát tại Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho thấy, 99% giảng viên đồng tình với việc đổi mới chương trình đào tạo một cách căn bản. Nguyên nhân do chương trình đào tạo chuẩn đầu ra của trường không còn phù hợp với thực tế ở bệnh viện, nhu cầu người bệnh ở các địa phương.

Điển hình như việc bác sĩ đa khoa học 6 - 7 năm trời ra trường về huyện công tác, được phân công làm bác sĩ đỡ đẻ, đa khoa tuyến huyện thì… lãng phí.

Mặt khác, với chương trình học hiện tại, phần lớn sinh viên học thụ động, nặng về lý thuyết. Giảng viên thì căng ra để dạy cho hết chương trình chứ chưa quan tâm đến hiệu quả.

Trước thực trạng trên, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa theo mô hình 6+3 hoặc 4. Theo PGS. TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, sinh viên sẽ theo học chương trình cử nhân 6 năm, sau đó học thêm 3 - 4 năm chuyên sâu thay vì học 6 năm ra trường đi làm rồi quay lại trường học tiếp chuyên khoa 1. Để hành nghề, từ năm thứ 7 bác sĩ, từ năm thứ 7, người học đủ điều kiện sẽ tham gia kỳ thi cấp quốc gia lấy chứng chỉ do Bộ Y tế cấp.

Bắt tay trường - viện

Thực tập là một phần đặc biệt quan trọng với sinh viên ngành y. Hiện nay, mô hình trường trong viện còn ít trong khi sinh viên lại đông nên việc thực tập gặp nhiều khó khăn.

Tại Trường ĐH Y tế Công cộng, ngoài việc xây dựng chương trình học theo nhu cầu thực tế. Nhà trường cũng là cầu nối với các đơn vị tuyển dụng để tìm nơi thực tập và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, giúp các em ra trường không bị bỡ ngỡ.

Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - cho biết: Năm nào trung tâm cũng nhận sinh viên thực tập từ các trường y trên địa bàn.

Qua theo dõi cho thấy, so với bác sĩ đa khoa, cử nhân y tế công cộng có kỹ năng làm việc với cộng đồng, biết lập kế hoạch và giám sát hoạt động y tế, khả năng nghiên cứu khoa học tốt hơn. Tuy nhiên, để các em tiếp cận với kỹ năng làm việc thực địa tốt hơn cần tăng thời gian thực tập.

Vừa qua, Bệnh viện E lần đầu tiên tiếp nhận và đào tạo sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội theo mô hình bệnh viện - trường học cho 27 sinh viên.

Giám đốc bệnh viện, GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết: Với 4 trung tâm (tiêu hóa, tim mạch, cơ xương khớp, ung bướu) và 25 khoa lâm sàng, 9 khoa cận lâm sàng, bệnh viện có đủ điều kiện thực hành cho sinh viên y khoa.

Các em sẽ có thời gian để tập hỏi bệnh, khám bệnh, tập làm các thủ thuật trên người bệnh, lập kế hoạch chăm sóc để cảm nhận được thực tế lâm sàng, trải nghiệm phương pháp điều trị dưới sự hướng dẫn của các GS đầu ngành, bác sĩ chuyên khoa…

Sinh viên Võ Quang Thành tâm sự: Ở trường mới học lý thuyết, chưa từng thực hành trên cơ thể người bệnh nên chưa có kinh nghiệm xử lý các tình huống như khám, sơ cấp cứu, ghi lâm sàng trong bệnh án.

Vì vậy, việc được tham gia vào các buổi giao ban, thăm khám, hội chẩn, vào phòng mổ rất có ích với sinh viên trong việc hoàn thành kỹ năng ngoại khoa cơ bản.

Còn với Đặng Thị Quỳnh, việc tham gia trực đêm, tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu… đem lại nhiều kiến thức bổ ích về lâm sàng với từng ca bệnh cụ thể.

Thực tập không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên mà trường học và bệnh viện cũng được hưởng lợi. Dựa trên phản hồi của bệnh viện, các trường từ đó thay đổi chương trình dạy cho phù hợp.                                                                                                                                                                                                               Còn các bệnh viện, ngoài việc có thêm nhân lực, qua đó có sự lựa chọn, đào tạo người phù hợp với nhu cầu bệnh viện, đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ