Nâng cao tay nghề bác sĩ gây mê hồi sức

GD&TĐ - Hội nghị Quản lý đường thở WAAM 2024 được tổ chức nhằm nâng cao kiến thức và tay nghề cho bác sĩ trong việc quản lý đường thở, tránh biến chứng y khoa.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Ngày 13/4, Hội nghị Quản lý đường thở WAAM 2024 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như ASEAN, với phần tham luận của 15 chuyên gia bác sĩ hàng đầu thế giới về Gây mê Hồi sức.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hội nghị khoa học này đóng vai trò quan trọng và mang tính thực tiễn đối với ngành Y tế Việt Nam. Sự hiện diện của các tổ chức y tế trong và ngoài nước tại hội nghị là điều đáng chú ý.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây cũng là cơ hội quý báu để các y bác sĩ và chuyên gia về gây mê hồi sức tại Việt Nam có thể trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý đường thở. Điều này góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng của họ, từ đó cải thiện và tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo các chuyên gia, việc quản lý tốt đường thở của các ca bệnh có đường thở khó có thể giúp hạn chế tối đa biến chứng trong gây mê. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khó khăn với công tác này, chủ yếu do sự thiếu đồng bộ và thiếu cơ hội ứng dụng thực tiễn trong quy trình gây mê ở nhiều bệnh viện.

Việc áp dụng quy trình quản lý đường thở đòi hỏi sự hiểu biết của từng cá nhân trong ekip gây mê, cũng như sự đồng lòng, đồng nhất trong quy trình xử lý.

Hội nghị Quản lý đường thở được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 13-14/4, với phiên 6 làm việc, thu hút gần 600 y - bác sĩ tham dự trực tiếp và 1.000 bác sĩ tham dự trực tuyến.

Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận có tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, hiệu quả dự trữ oxy, rút ống nội khí quản khó, đường thở khó ở trẻ em....

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Giáo sư Anil Patel - đại diện WAAM cho biết, có hai loại đường thở khó gồm: Đường thở khó định trước và đường thở khó không định trước.

Đường thở khó định trước được xác định trong quá trình kiểm tra tiền mê, dựa trên các dấu hiệu tiên lượng của bệnh nhân, trong khi đường thở khó không định trước chỉ được nhận biết khi bệnh nhân không có các yếu tố tiên lượng rõ ràng và chỉ trong quá trình gây mê.

Việc chia sẻ kiến thức, phối hợp ekip theo kế hoạch và xử lý từng trường hợp cụ thể, bất kể có định trước hay không định trước, là chìa khóa quan trọng để đảm bảo an toàn thông khí cho mọi bệnh nhân.

Theo ThS. BS Nguyễn Thị Thu Ba - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc: "Khoa Gây mê Hồi sức BVĐK Hồng Ngọc đã ứng dụng chiến lược DAS trong cấp cứu và gây mê chủ động từ nhiều năm nay trong tất cả các bước: tiếp cận khám, lập kế hoạch, xử trí đường thở khó, rút nội khí quản.

Thực tế, từ ngày ứng dụng chiến lược DAS, biến chứng trong quản lý đường thở ở Bệnh viện Hồng Ngọc gần như không có, gia tăng tỷ lệ thành công cho nhiều ca cấp cứu và phẫu thuật. Để có áp dụng được quy trình này, tất cả các thành viên trong ekip gây mê đều được đào tạo để hiểu và có tư duy đồng bộ, luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong mọi trường hợp".

Hội nghị được tổ chức và hỗ trợ bởi Tổ chức từ thiện Facing The World của Vương quốc Anh và Vietnam Airlines. Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều kỹ thuật cao về quản lý đường thở được chia sẻ bởi các chuyên gia quản lý đường thở - lĩnh vực thực hành của ngành gây mê hồi sức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.