Nâng cao sự hài hòa pháp luật trong cộng đồng ASEAN

GD&TĐ - Ngày 10/7, Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức hội thảo: “Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia ASEAN hướng tới phát triển toàn diện và bền vững”.

Chủ tọa phiên 1 tại hội thảo. (Ảnh: NTCC).
Chủ tọa phiên 1 tại hội thảo. (Ảnh: NTCC).

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế bàn luận các vấn đề và định hướng giải pháp cho tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, một trong những điều kiện đạt được các mục tiêu phát triển của ASEAN là thực hiện hài hòa hóa pháp luật, xây dựng các khung pháp lý chung của ASEAN trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động phức tạp, khó lường, quá trình toàn cầu hóa đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự bất ổn địa chính trị.

Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển giao giữa "Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025" sang "Tầm nhìn Cộng đồng 2045", các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng… là những thách thức với Cộng đồng ASEAN.

Theo ông Nhiêm, hội thảo nhằm thúc đẩy các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và tiếp nhận các xu hướng phát triển pháp luật mới đang hình thành trong cộng đồng ASEAN.

Đồng thời, tạo diễn đàn để các đại biểu từ các quốc gia lắng nghe tham luận, ý kiến phân tích, trao đổi kinh nghiệm từ nhiều góc độ khác nhau.

Từ đó, có những đóng góp hiệu quả nhằm nâng cao hoạt động hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN.

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc hội thảo.jpg
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: NTCC).

Hội thảo được tổ chức 3 phiên thảo luận với mỗi chủ đề khác nhau, xác định những thách thức và đề xuất các khuyến nghị nhằm hài hòa hóa pháp luật nhãn hiệu trong ASEAN.

Trong phiên thứ nhất “Hài hoà hoá pháp luật trong ASEAN: cơ hội và thách thức”, ThS. Trần Ngọc Hà, Giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong cộng đồng ASEAN đã và đang đối mặt với nhiều rào cản.

Trong đó, sự đa dạng về truyền thống văn hóa pháp lý, chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia; tác động của các yếu tố tôn giáo, chính sách phát triển của các quốc gia; hạn chế trong hoạt động lập pháp, nội luật hóa ở các quốc gia thành viên…

"Để khắc phục và vượt qua, các quốc gia ASEAN cần sự nỗ lực hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn, tạo ra một khung pháp lý chung đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững của cả khu vực", bà Hà nói.

ThS. Trần Ngọc Hà- trình bày tham luận.jpg
ThS. Trần Ngọc Hà, Giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tham luận. (Ảnh: NTCC)

Bước vào phiên thứ hai “Định vị tương lai cho một ASEAN thống nhất trong đa dạng”, TS. Nguyễn Quỳnh Anh, Trưởng Bộ môn Luật ASEAN và các Liên kết quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, những cơ hội và thách thức trong quá trình hài hòa hóa pháp luật, bao gồm sự khác biệt về văn hóa pháp lý, mức độ phát triển kinh tế, và chính sách ưu tiên quốc gia…

Tại phiên thứ 3 “Phát triển bền vững trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể trong ASEAN và các quốc gia thành viên”, TS. Narender Nagarwal, Trường Đại học New Dehli, Ấn Độ cho biết, việc thành lập thêm các nhà máy, doanh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài dẫn đến tình trạng di cư lao động trong ASEAN.

"Điều này đặt ra vấn đề đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tất cả các điều khoản an sinh xã hội cho người lao động di cư theo như quy định của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế). Do đó, một quy hoạch tổng thể gắn kết, hài hòa và hợp tác bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khối ASEAN rất quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững", ông Narender Nagarwal nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ