Nâng cao nhận thức cho học sinh trước sự nguy hại của thuốc lá điện tử

GD&TĐ - Các trường học TPHCM luôn chú trọng tăng cường nhiều biện pháp giúp nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử.

Ngày 14/10, Chi đội lớp 9A1 Trường THCS Phú Hữu- TP Thủ Đức đã thực hiện Hoạt động chuyên đề "Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử".
Ngày 14/10, Chi đội lớp 9A1 Trường THCS Phú Hữu- TP Thủ Đức đã thực hiện Hoạt động chuyên đề "Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử".

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Mới đây, ngày 7/11, tại Trường THCS An Nhơn (quận Gò Vấp, TPHCM), Công an quận Gò Vấp cùng UBND phường 6 và Trường THCS An Nhơn tổ chức Hội nghị tuyên truyền “Phòng, chống bạo lực học đường”; “Phòng, chống tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử trong trường học” năm 2024.

Trong phần tuyên truyền về phòng chống ma túy học đường và thuốc lá điện tử, Trung úy Ngô Quang Hiếu, báo cáo viên Công an quận Gò Vấp đã tuyên truyền một số quy định pháp luật về Phòng, chống bạo lực học đường; Phòng, chống tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử trong trường học.

Đồng thời, cung cấp các tác hại nghiêm trọng mà những chất gây nghiện này gây ra đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với lứa tuổi vị thành niên. Thông qua các ví dụ thực tiễn và những hình ảnh minh họa sinh động, các em học sinh đã được trang bị kiến thức để phân biệt các dạng ma túy và tránh xa những lời dụ dỗ của kẻ xấu.

Trước đó, đầu tháng 3/2024, tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình), hơn 1.000 học sinh tham gia buổi tuyên truyền về phòng chống tác hại của ma túy, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện trong trường học.

Hoạt động này do Phòng GD&ĐT quận Tân Bình phối hợp với Công an quận Tân Bình tổ chức, dành cho học sinh tại 14 trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn.

Qua đó nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác hại của các chất gây nghiện, trong đó có ma túy và thuốc lá điện tử, đại diện Công an quận Tân Bình đã chia sẻ về cách thức nhận diện, sự ảnh hưởng của các chất gây nghiện đối với sức khỏe con người, đặc biệt là các khung hình phạt theo quy định của pháp luật đối với người mua bán và tàng trữ ma túy.

Tại buổi tuyên truyền, Thiếu tá Võ Công Nghiệp, cán bộ Đội an ninh, Công an quận Tân Bình cho biết, hiện học sinh rất dễ tìm mua và sử dụng thuốc lá điện tử.

“Mặc dù thuốc lá điện tử có nhiều tác hại hơn so với thuốc lá truyền thống nhưng học sinh lại bị hấp dẫn bởi tính đa dạng của mẫu mã, mùi vị của các loại thuốc lá điện tử. Phần đông các em bị bạn bè lôi kéo, tò mò nên muốn sử dụng thử; số khác cho rằng hút thuốc lá điện tử để thể hiện đẳng cấp, khẳng định bản thân”, Thiếu tá Nghiệp thông tin.

Ông Trần Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết, ngoài việc mời chuyên gia đến tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, nhà trường còn thường xuyên lồng ghép nội dung vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, kết hợp với các hoạt động sân khấu hóa, thi thiết kế poster để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh. Ngoài ra, trong các tiết sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên nhắc nhở, tổ chức các sân chơi, hoạt động mang tính chất giáo dục để học sinh không bị bạn bè lôi kéo vào hoạt động tiêu cực.

thuoc-la-dien-tu-4.jpg
Trường THCS Phú Hữu tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy, thuốc lá điện tử và các tệ nạn xã hội.

Nỗ lực tạo môi trường học tập lành mạnh

Theo chia sẻ của các chuyên gia, do tác hại nghiêm trọng của những sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên cần phải quyết liệt ngăn chặn, kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện trước khi việc sử dụng thuốc lá mới trở nên phổ biến. Hiện thế giới đã có 39 quốc gia cấm dùng thuốc lá điện tử, 3 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử như dược phẩm và 18 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Trong khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Cùng với công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá mới, các trường học TPHCM cũng đưa ra những nội quy, quy định rất nghiêm khắc. Đơn cử, tại Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12, TP HCM) thầy Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thuốc lá điện tử đang xâm nhập trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lối sống của học sinh. Năm học 2024-2025, nhà trường quán triệt kỹ với học sinh ngay từ đầu năm học, đưa ra nội quy khắt khe, tăng cường tổ chức tuyên truyền nên tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử trong trường cơ bản được kiểm soát.

“Nhà trường chỉ có thể quản lý học sinh trong khuôn viên nhà trường. Để ngăn chặn tình trạng trẻ nghiện thuốc lá mới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các ban ngành”, thầy Trịnh cho hay.

Tương tự, tại Trường THCS Phú Hữu (TP Thủ Đức, TPHCM), thời gian qua Ban giám hiệu cũng như các giáo viên trong trường tổ chức nhiều hoạt động ngăn ngừa, phòng chống ma túy, thuốc lá điện tử, cũng như các tệ nạn xã hội không xâm nhập vào học đường.

Bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hữu cho biết: “Nhằm bảo vệ cho các em một môi trường học tập an toàn, lành mạnh, và thật sự vui tươi, hạnh phúc. Chúng tôi đang rất lo lắng về vấn nạn ma túy, thuốc lá điện tử và các tệ nạn xã hội, khi chúng đang có nguy cơ xâm nhập vào học đường. Vì vậy, chúng tôi cần phải nỗ lực hết sức để bảo vệ các em, tạo ra một môi trường học tập an toàn và lành mạnh”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế, tỉ lệ hút thuốc lá điếu truyền thống giảm nhưng số người dùng thuốc lá điện tử lại tăng. Đặc biệt, số lượng nữ giới hút thuốc lá mới ngày càng tăng. Thống kê mới nhất cho thấy học sinh lớp 9 sử dụng thuốc lá điện tử cao nhất (10,4%), tiếp đến là học sinh lớp 8 (9,1%). Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh (13-15 tuổi) tăng đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Bà Hương cảnh báo: “Những nỗ lực trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu tại Việt Nam trong gần 10 năm qua sẽ có nguy cơ bị phá hủy bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ