Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu phát triển Phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi Đại học Thái Nguyên (FEMMA) phối hợp với Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI) và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tổ chức.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Việt - Giám sát dự án (CFLI); TS. Bùi Thị Hương Giang - Giám đốc EMMA; PGS.TS Trần Văn Điền - chuyên gia cao cấp;
Về phía lãnh đạo địa phương có ông Giàng A Câu - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái; bà Hoàng Phương Thúy – Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái; ông Nguyễn Long Hải – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải; bà Sùng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải cùng lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và toàn thể 135 học viên.
Tại Hội thảo, TS. Bùi Thị Hương Giang báo cáo về kết quả thực hiện dự án tại địa phương. Cụ thể, dự án “Thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo và lồng ghép giới thông qua tập huấn và thực hiện kế hoạch hành động tại 3 xã miền núi thuộc tỉnh Yên Bái” diễn ra từ tháng 1-2/2023.
Trao chứng nhận cho các học viên. |
Với mục tiêu trang bị và nâng cao năng lực lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới cho các nhà lãnh đạo nam và nữ, đặc biệt là các nữ lãnh đạo dân tộc thiểu số, đồng thời hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch hành động và thiết lập một mạng lưới các nữ lãnh đạo ở vùng dân tộc thiểu số.
Trải qua 2 tháng triển khai tại xã La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Púng Luông, dự án đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực tại các địa phương với 3 khóa tập huấn thu hút 135 học viên dân tộc thiểu số, 21 kế hoạch hành động nhóm, 35 kế hoạch hành động cá nhân của học viên; Một hội thảo chia sẻ kết quả và một hội thảo ra mắt mạng lưới lãnh đạo nữ dân tộc thiểu số.
Từ những thành tựu ban đầu, Ban Tổ chức hướng tới những mục tiêu bền vững với khoảng 2.000 đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi, ít nhất 90 nữ lãnh đạo dân tộc thiểu số sẽ áp dụng kiến thức, kỹ năng tại khóa tập huấn một cách hiệu quả;
Về mặt cộng đồng, chương trình hướng tới vận động tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ và xóa bỏ định kiến giới tại địa phương.
Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để nghe báo cáo kế hoạch hành động của các nhóm học viên, đây là kết quả của 3 khóa tập huấn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia FEMMA. Các kế hoạch hành động tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết tại địa phương như nạn tảo hôn, định kiến giới, chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ sinh kế, tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương…
Trên cơ sở báo cáo của học viên, 3 kế hoạch hành động được lựa chọn hỗ trợ kinh phí để triển khai trong giai đoạn tiếp theo.