Nâng cao mức dự trữ lưu thông để trong tình huống bất trắc có nguồn cung xăng dầu

GD&TĐ - Bộ Công Thương sẽ xem xét thiết kế lại mô hình quản lý dự trữ lưu thông, nâng cao mức dự trữ lưu thông để trong tình huống bất trắc có nguồn cung xăng dầu trong vài tháng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện chúng ta chỉ mới kiểm soát được lượng dự trữ xăng dầu của quốc gia chứ chưa thể kiểm soát được chính xác lượng xăng dầu dự trữ mà 33 đơn vị nhập khẩu xăng dầu trong nước. Đây chính là "lỗ hổng" cần khắc phục trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối được Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện chưa có hệ thống kho riêng nên giao việc dự trữ lưu thông cho các doanh nghiệp đầu mối, đây là điều bất hợp lý hiện nay.

Do đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét thiết kế lại mô hình quản lý dự trữ lưu thông, nâng cao mức dự trữ lưu thông để trong tình huống bất trắc có nguồn cung xăng dầu trong vài tháng.

Về đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ trưởng cho biết, thực chất là chuyển đổi chủng loại hàng dự trữ từ RON 92 sang E5 RON 92, RON 95 để bởi RON 92 không còn là mặt hàng phổ biến.

Bên cạnh đó, lượng xăng này bán ra sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn dự trữ quốc gia cũng như cung cầu thị trường.

Các đại biểu dự Phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh VGP
Các đại biểu dự Phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh VGP

Trả lời đại biểu về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.

Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy".

Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...

Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.

Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ