Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bầu cử cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bầu cử cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đây là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả nước. Đây là dịp để mọi người dân phát huy quyền làm chủ của mình theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Để công tác bầu cử diễn ra an toàn, thực sự dân chủ và đúng theo quy định của pháp luật, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất.

Nội dung tuyên truyền không chỉ chú trọng đến các quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan đến công tác bầu cử, mà còn phải chú trọng tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ý thức và trách nhiệm của mỗi cử tri đối với từng lá phiếu của mình.

Đồng thời, phải thông tin cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn của các đại biểu tham gia ứng cử để người dân lựa chọn và bầu ra những đại biểu tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, uy tín, xứng đáng tham gia vào các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử phải được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên từ nay đến ngày cử tri bắt đầu đi bầu cử.

Đối với cử tri là người đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương phải quan tâm lựa chọn những hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng tượng đối tượng như tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, thông qua tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích,... Để dễ hiểu, nội dung tuyên truyền cần phải dịch ra tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân tự tìm hiểu hoặc tuyên truyền thông qua người phiên dịch. Địa điểm tuyên truyền cần phải linh động như thông qua nhà rông, nhà văn hóa, hội trường thôn, nhà dân hoặc nơi tập trung đông người để tổ chức tuyên truyền.

 Mục đích của việc tuyên tuyền là phải làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số thấy rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, qua đó sẽ ủng hộ nhiệt tình và tích cực tham gia bầu cử.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải làm cho người dân hiểu rõ các hành vi sai trái, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đang chống phá Đảng, Nhà nước và cuộc bầu cử; xử lý kịp thời những hành vi lợi dụng quyền bầu cử, ứng cử, việc khiếu nại, tố cáo xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân; những hành vi vi phạm pháp luật về quyền dân chủ, gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc,… phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật.

Từ đây đến ngày bầu cử, chính quyền địa phương cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, biện pháp vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của người dân; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, dễ đọc, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm, nội dung phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt khác, tranh thủ và phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng thôn,… trong công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử.

Làm được như vậy, việc triển khai công tác bầu cử mới diễn ra đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi cử tri khi sử dụng lá phiếu của mình để bầu ra những đại biểu thật xứng đáng tham gia vào các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.