Nâng cao chất lượng giáo dục và an toàn trường mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Nam Định xác định, năm học 2022-2023 sẽ tiếp tục chú trọng an toàn trường học và nâng cao chất lượng với giáo dục mầm non.

An toàn trường học và nâng cao chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu của các trường mầm non.
An toàn trường học và nâng cao chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu của các trường mầm non.

Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm

Trong văn bản hướng dẫn về thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non (GDMN) năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các Phòng GD&ĐT trực thuộc cần rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn.

Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDMN; tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDMN, phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Chủ động tham mưu chính quyền địa phương quan tâm đầu tư CSVC để bảo đảm tỉ lệ 1 phòng học/lớp; bảo đảm sĩ số trẻ em/nhóm, lớp theo quy định tại Điều lệ trường mầm non; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

Bảo đảm CSVC đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập; tiếp tục cải tạo, nâng cấp trường lớp, CSVC đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành; rà soát, bổ sung đồ chơi, học liệu tại các cơ sở GDMN bảo đảm quy định về số lượng và chất lượng; bố trí kinh phí và huy động nguồn lực để mua sắm bổ sung các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị, tài liệu, học liệu để thực hiện Chương trình GDMN theo yêu cầu chuẩn hóa.

Các nhà trường cần thực hiện việc giáo dục kiến thức, kĩ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở GDMN theo quy định tại Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT; thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử theo quy định quản lý chất lượng bữa ăn tại trường/lớp đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở GDMN, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Cô trò Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) trong một giờ sinh hoạt trên lớp.

Cô trò Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) trong một giờ sinh hoạt trên lớp.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, bổ sung các điều kiện đội ngũ và CSVC đảm bảo để thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Tham mưu chính quyền địa phương kế hoạch triển khai công tác phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo ở những nơi có điều kiện, tiến tới phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo vào năm 2030.

Đặc biệt, các trường mầm non sẵn sàng thích ứng linh hoạt với tình hình thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; phối hợp với ngành Y tế địa phương trong việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về trang thiết bị trong phòng chống dịch.

Xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp, bảo đảm thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ em theo quy định của Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các trường cần bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên trong công tác bảo đảm an toàn, phòng chống bạo lực học đường, tổ chức ăn bán trú, giáo dục an toàn giao thông, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng dẫn của Bộ, Sở GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDMN chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở GDMN trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ.

Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại trường/lớp đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, cân đối, hợp lý về các chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với cá nhân trẻ; nguồn gốc thực phẩm rõ ràng.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu với các cấp để bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định, bố trí bảo đảm ít nhất 2 giáo viên/lớp; tăng cường và tuyển dụng kịp thời đối với GVMN còn thiếu nhằm bảo đảm tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình GDMN và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ ở trường. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với GVMN theo quy định hiện hành.

Các trường cần tiếp tục phối hợp trong công tác tham mưu để có các chính sách đặc thù của địa phương nhằm ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong ngành giáo dục; có giải pháp thu hút giáo viên mầm non...

Sở GD&ĐT Nam Định cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc từng bước số hóa các nội dung giáo dục, triển khai các phương tiện trực tuyến để hướng dẫn, hỗ trợ CBQL, GV, cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tiếp tục xây dựng và khai thác hiệu quả kho tài liệu, học liệu, các video trực tuyến dùng chung để hỗ trợ thực hiện Chương trình đối với các cơ sở GDMN. Đồng thời, giáo viên hỗ trợ cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà phù hợp với điều kiện của gia đình thông qua các ứng dụng Zalo, Viber, website nhà trường và các ứng dụng công nghệ khác, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động hàng ngày của giáo viên, nhà trường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.