Chuyên đề tạo môi trường thân thiện cho trẻ phát triển toàn diện, đáp ứng những yêu cầu đổi mới của GD MN mà Bộ GD&ĐT đang triển khai, đẩy mạnh trên cả nước.
Những cách làm thiết thực
Chuyên đề “Nâng cao chất lượng GDPTVĐ cho trẻ trong trường MN” giai đoạn 2013 - 2016 (gọi là chuyên đề) được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện từ năm 2013. Xác định rõ tầm quan trọng, mục đích và ý nghĩa của chuyên đề đối với việc nâng cao chất lượng GDPTVĐ cho trẻ lứa tuổi MN, Phòng GD&ĐT TP Đông Hà triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện Chuyên đề.
Trong đó, tổ chức quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo, mục đích yêu cầu và ý nghĩa sâu sắc của chuyên đề cho cán bộ, giáo viên toàn cấp học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng GDPTVĐ cho trẻ trong trường MN đối với phụ huynh và cộng đồng; tư vấn xây dựng môi trường học tập lành mạnh, CSVC an toàn giúp trẻ có cơ hội vui chơi, rèn luyện PTVĐ mọi lúc, mọi nơi; làm tốt công tác xã hội hóa, vận động phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia đóng góp kinh phí hỗ trợ, hoặc ủng hộ thêm cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ…
Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Chuyên đề được 18/18 trường MN tích cực hưởng ứng và triển khai xây dựng các kế hoạch thực hiện chuyên đề phù hợp tình hình thực tế. Cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu kỹ, lựa chọn những bài tập phù hợp khả năng của trẻ, thực hiện các hoạt động theo nguyên tắc khoa học từ dễ đến khó, từ thấp đến cao dần, tổ chức hoạt động liên hoàn, hợp lý; đảm bảo tính vừa sức có sự kế thừa, đồng tâm phát triển.
Trang trí lớp học xanh, sạch, đẹp, sinh động, hấp dẫn phù hợp tâm lý trẻ nhỏ, tạo cơ hội cho trẻ vận động mọi lúc, mọi nơi. Phát huy tính tích cực của trẻ, giúp trẻ tự tin thực hiện kỹ năng vận động chính xác và có ý thức hoàn thành nhiệm vụ khi tham gia các hoạt động một cách tự nhiên, thoải mái... nhằm tạo môi trường tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện.
Trong 3 năm thực hiện Chuyên đề, trang thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ hàng năm được ngành quan tâm đầu tư hợp lý. Đồ chơi ngoài trời, khi chưa thực hiện chuyên đề có 11/24 sân chơi tập trung có từ 5 loại đồ chơi trở lên, và hiện nay đã tăng lên 19/24 sân chơi có từ 5 loại đồ chơi trở lên; bộ đồ chơi, đồ dùng trong lớp, từ 54 lớp tăng lên 85 lớp. 18/18 trường đã tự làm được 324 bộ đồ dùng đồ chơi phục vụ chuyên đề giá trị ước tính trên 350 triệu đồng; dự thi đồ dùng đồ chơi tự làm cấp thành phố với 90 bộ sản phẩm có chất lượng.
Phòng GD&ĐT Đông Hà đầu tư xây dựng thêm 3 phòng học, 2 phòng thể chất - nghệ thuật. Tổng kinh phí đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi PTVĐ cho trẻ từ năm 2013 - 2016 là 2.647 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước, các đơn vị tư và xã hội hóa. Ba năm qua, đã tổ chức được 180 chuyên đề cấp trường, 37 chuyên đề cấp thành phố; 211 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi (GVDG) cấp trường; 62 giáo viên đạt GVDG cấp thành phố; 8 giáo viên đạt GVDG cấp tỉnh về chuyên đề GDPTVĐ cho trẻ.
Hiệu quả từ sự chung tay của xã hội
Phát huy tính sáng tạo sẵn có của các giáo viên MN, nhiều trường đã tổ chức các hoạt động thiết thực và hiệu quả cho trẻ PTVĐ, tổ chức nhiều hội thi, giao lưu nhịp điệu tuổi thơ, tuần lễ sức khỏe, ngày hội thể dục thể thao của bé... tạo điều kiện cho trẻ tham gia với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với mọi lứa tuổi của trẻ. Thường xuyên tổ chức giao lưu thể dục, thể thao giữa các lớp thường xuyên tạo ra môi trường thân thiện.
Các nội dung giao lưu cho trẻ trong cùng độ tuổi hoặc giữa các độ tuổi luôn đảm bảo mở rộng phạm vi, môi trường hoạt động, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin. Tham gia những sân chơi này, trẻ không chỉ biết giúp đỡ lẫn nhau PTVĐ mà còn mang một ý nghĩa giáo dục lớn hơn về tình yêu thương con người, lòng nhân ái, sự nhường nhịn, sẻ chia, sự đoàn kết, tinh thần đồng đội và bước đầu hình thành nhân cách toàn diện.
Bà Hoàng Thị Hồng chia sẻ, thành công trong thực hiện chuyên đề chính là hầu hết trẻ đều khỏe mạnh, phát triển bình thường, hiếu động, hưởng ứng khi tiếp xúc làm quen với các hoạt động mới, thích trải nghiệm, khám phá, tích cực tham gia luyện tập bằng phương pháp “chơi mà học” cùng cô, cùng bạn. Hàng năm sức khỏe các cháu được tăng lên, cải thiện tầm vóc, hạn chế trẻ nhút nhát, yếu thể lực, thừa cân, béo phì; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao từ 3,9% (năm 2013) xuống còn dưới 2,1% (năm 2016); tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần hàng năm tăng lên...
Có dịp tham gia với trẻ trong các hoạt động PTVĐ tại các trường học, mới thấy được niềm vui, hứng thú và những nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt trẻ thơ của các bé khi tham gia các trò chơi vận động. Mọi hoạt động PTVĐ đều “lấy trẻ làm trung tâm”.
Cô giáo Đặng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Sen cho biết, trường được Phòng GD&ĐT TP Đông Hà chọn làm đơn vị xây dựng mô hình điểm về thực hiện chuyên đề. Tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyên, tạo cơ hội cho trẻ phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Cũng như nhiều trường MN khác trên địa bàn TP Đông Hà, sau 3 năm triển khai thực hiện chuyên đề, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, mạnh dạn trong việc lựa chọn nội dung PTVĐ; tích cực, sáng tạo trong làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Tham gia hoạt động PTVĐ giúp trẻ phát triển các giác quan, ngôn ngữ giao tiếp, hoàn thiện các tố chất tâm lý: Mạnh dạn, tự tin, can đảm, độc lập, tự chủ, biết kiềm chế, có tính kỷ luật, biết lắng nghe, chú ý quan sát... góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện của nhà trường.