Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là nữ và dưới 16 tuổi

GD&TĐ - Nạn nhân của tội phạm mua bán người xảy ra trong nội địa tại Việt Nam đa số là nữ và dưới 16 tuổi trong giai đoạn 2020- 2022.

Thông tin trên được Thiếu tá, TS Nguyễn Văn Oanh - Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ khi tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 27/9.

Chia sẻ về xu hướng mới của tội phạm mua bán người trong nội địa ở Việt Nam, TS Nguyễn Văn Oanh cho hay, kết quả nghiên cứu cho thấy: các đối tượng mua bán người vì mục đích bóc lột sức lao động. Nạn nhân thường dưới 16 tuổi, thậm chí có cả trẻ sơ sinh. Ngoài ra, có tình trạng mua bán người sang Campuchia, sử dụng mạng xã hội để phạm tội.

TS Nguyễn Văn Oanh chia sẻ tại hội thảo.

TS Nguyễn Văn Oanh chia sẻ tại hội thảo.

Kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Oanh và Trung tá Nguyễn Quang Hiệu – Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) cho thấy, mức độ phổ biến của tội phạm mua bán người như sau:

TS Nguyễn Văn Oanh thông tin, nạn nhân của tội phạm mua bán người xảy ra trong nội địa tại Việt Nam đa số là nữ giới. Những người này bán với mục đích để khai thác, bóc lột trong các cơ sở massage, karaoke. Độ tuổi của nạn nhân tội phạm mua bán người nội địa dưới 16 tuổi chiếm tỉ lệ cao.

Nam giới thực hiện hành vi phạm tội mua bán người nội địa là chủ yếu, với các chiêu thức như: tham gia chăn dắt, bảo kê hay tổ chức các hoạt động liên quan đến mại dâm. Còn nữ giới tham gia nhiều trong các đường dây mua bán trẻ sơ sinh.

Thủ đoạn chính của các đối tượng là: gán nợ, nạn nhân bị cưỡng ép, lừa đổi bằng các hợp đồng lao động, giới thiệu việc làm; lừa gạt thông qua tìm kiếm việc làm. Cụ thể:

Đề cập đến tình trạng mua bán mô, tạng người, TS Cao Tiến Sỹ - Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, tình trạng này ngày càng có chiều hướng gia tăng, đã hình thành các băng, nhóm có tổ chức.

Phương thức hoạt động thông qua các hội, nhóm kín trên mạng xã hội hoặc qua giao dịch trực tiếp với những người có nhu cầu mua (ghép) mô, tạng.

Hoạt động này tập trung ở các TP lớn, tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) tạng tại các cơ sở lấy, ghép tạng hoặc sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức hiến tặng).

Theo TS Cao Tiến Sỹ, các bộ phận cơ thể người chủ yếu mà các nhóm tội phạm nhắm đến thường là thận, gan, võng mạc…trong đó, thận là phổ biến nhất. Việc ghép tạng từ nguồn cho sống chiếm tuyệt đại đa số ca ghép tạng tại Việt Nam và các nước lân cận là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các băng nhóm, đường dây mua bán mô, tạng.

Tình trạng môi giới, mua bán mô, tạng đã lan rộng trên cả nước, bao gồm cả môi giới, mua bán tạng trong nước và ra nước ngoài.

TS Cao Tiến Sỹ tham luận tại hội thảo.

TS Cao Tiến Sỹ tham luận tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo TS Cao Tiến Sỹ, Bộ luật hình sự chưa chế định hình sự đầy đủ các tội danh đã được quy định trong Luật phòng chống mua bán người và Luật Hiến lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Ngoài ra, chưa có sự phân biệt rạch ròi trong quy định về tội danh giữa 02 hành vi mua bán người để lấy mô, tạng và mua bán người.

Điều này dẫn đến tình trạng chế tài hình sự đối với loại tội phạm này vừa rất nghiêm khắc (hình phạt cao nhất đến tù chung thân, trong khi tại các quốc gia khác mức xử phạt thông thường chỉ từ 3-5 năm tù) nhưng lại còn quá hẹp, chưa bao hàm hết các hành vi và tội danh của tội phạm mua bán mô, tạng và mua bán người để lấy mô, tạng hiện nay.

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu đề dẫn.

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu đề dẫn.

Hội thảo khoa học quốc gia “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới” đưa ra các khuyến nghị quan trọng, đóng góp cho việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. Hội thảo gợi mở những ý tưởng nghiên cứu về chủ đề liên quan, là cơ hội để giảng viên, học viên, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam có cơ hội chia sẻ, trao đổi với các chuyên gia, học giả bên ngoài Học viện. Hội thảo cũng khẳng định sự cần thiết phải duy trì và tăng cường nỗ lực phòng, chống mua bán người, góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết ảnh hưởng tới phụ nữ, trẻ em và người dân, thúc đẩy phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ