Tình trạng này đã và đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân vì nấm tươi không được bảo quản đúng cách tiềm ẩn nhiều mầm bệnh.
Các loại nấm được trồng nhiều ở nước ta gồm: nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm hương, mộc nhĩ... Riêng với loại nấm kim châm do được trồng ở nhiệt độ lạnh dưới 10 o C nên tại Việt Nam rất ít cơ sở trồng được. Phần lớn nấm bán trên thị trường hiện nay là nấm có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đối với nấm sò và nấm mỡ, 2 loại nấm này được trồng quanh năm (trừ mùa hè) vì dễ trồng, thời gian sinh trưởng nhanh và có thể để ở nhiệt độ thường (từ 20 - 27 o C) trong 2 ngày nếu được cho vào túi nilon và để ở chỗ mát.
Riêng với nấm rơm, sau khi ngắt hái chỉ để được ở nhiệt độ thường khoảng 1 ngày và tuyệt đối không được bỏ vào túi ni lông vì rất nhanh mất chất, hư hỏng. Còn đối với nhiều loại nấm sau khi ngắt hái khoảng 5-8 tiếng là phải bảo quản lạnh ngay nếu không nấm sẽ bị mất chất, hư hỏng, chảy rữa. Các loại nấm tươi nếu được bảo quản lạnh dưới 8 o C sẽ có thể để được từ 5-7 ngày.
Nếu để quá lâu ở nhiệt độ thường, nấm tươi sẽ mất đi nhiều dưỡng chất. Bên cạnh đó, có thể tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các kí sinh trùng, đặc biệt là có những loại độc tố vi khuẩn nguy hiểm, có thể ảnh hưởng ngay đến hệ tiêu hóa, lâu dài có thể gây ung thư, thậm chí tử vong do ngộ độc.
Trong khi đó, tại các chợ từ nấm sò ngô, sò tím, nấm mỡ, nấm sò trắng, nấm rơm, nấm kim châm... đều được bày bán trực tiếp hay đóng túi nilon... bất kể thời tiết. Vì vậy, để chọn nấm tươi an toàn, phòng ngộ độc, nên chọn mua ở những cửa hàng có uy tín nên mua loại có màu sắc tươi mới, mùi thơm hấp dẫn. Tránh chọn nấm bị dập nát, có mùi ôi. Vết cắt rỉ ra chất trắng sữa là dấu hiệu của nấm độc. Tránh những cây nấm có vết thâm hoặc bị nhăn trên chóp, không nên chọn nấm bị nhớt.
Trong điều kiện nhà xa chợ, muốn giữ nấm lâu, sau khi mua về cần cắt bỏ phần gốc dính đất, rơm rạ. Sau đó, chần nấm trong nước sôi khoảng hai phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Cho nước vào chậu, đổ nước vừa ngập. Cách này giúp giữ thực phẩm tươi 1-2 ngày.
Sau khi ăn nấm nếu thấy khó chịu, buồn nôn, choáng váng, đau bụng dữ dội, nhìn không rõ, sốt... phải lập tức đến bệnh viện. Trước đó, cần có các biện pháp sơ cứu đơn giản như gây nôn, hoặc tìm những thuốc dễ thấy để rửa ruột nhằm loại bỏ những thành phần độc hại trong nấm mà cơ thể chưa kịp hấp thu, nhờ đó giảm nhẹ mức độ ngộ độc. Sau khi sơ cứu, phải đưa ngay người bệnh đi cấp cứu để được xử trí kịp thời.