Nam sinh người Thổ ở xã nghèo thành thủ khoa tỉnh Nghệ An

GD&TĐ - Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An là nam sinh người Thổ ở xã nghèo, học trường làng. Trước đó em đã đạt IELTS 8.0 điểm chỉ bằng tự học.

Em Cao Duy Thông - học sinh lớp 12D1 Trường THPT Cờ Đỏ, huyện Nghĩa Đàn đạt thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.
Em Cao Duy Thông - học sinh lớp 12D1 Trường THPT Cờ Đỏ, huyện Nghĩa Đàn đạt thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Theo công bố của Sở GD&ĐT Nghệ An, thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh là em Cao Duy Thông, học sinh Trường THPT Cờ Đỏ, huyện Nghĩa Đàn với 56,65 điểm.

Kỳ tích của cậu học trò dân tộc Thổ

Thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An năm nay là nhân tố bất ngờ đặc biệt khi không phải là thí sinh đến từ trường chuyên, ở vùng trung tâm, mà là cậu học trò người dân tộc Thổ, ở ngôi trường làng THPT Cờ Đỏ, huyện Nghĩa Đàn.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận kết quả chính thức, Cao Duy Thông nói: “Ban đầu em không dám tin, vì trên toàn tỉnh có rất nhiều bạn xuất sắc, là học sinh trường chuyên, từng đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Sau đó là cảm giác vui mừng, hạnh phúc… vì bản thân đã rất cố gắng, quyết tâm trong suốt thời gian dài vừa qua và đạt được danh hiệu thủ khoa”.

Với tổng điểm đạt 56,65 Cao Duy Thông cũng đạt điểm cao đồng đều ở cả 6 môn thi. Trong đó, môn Toán được 8,4 điểm, Ngữ văn 9,5 điểm, Lịch sử 9,5 điểm, Địa lý 9,25 điểm, Giáo dục công dân 10 điểm và Ngoại ngữ 10 điểm.

Cao Duy Thông đạt tổng 56,65 điểm thi tốt nghiệp THPT - cao nhất tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Cao Duy Thông đạt tổng 56,65 điểm thi tốt nghiệp THPT - cao nhất tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Thông cho hay bất ngờ nhất với môn Ngữ văn đạt 9,5 điểm, còn các môn trắc nghiệm em đã tự chấm được sau khi có đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT. Mặc dù bài văn em đã viết hết được kiến thức, suy nghĩ, cảm xúc của, nhưng em vẫn chưa dám chắc mình đạt điểm trên 9. Vì vậy, niềm vui của em như được nhân đôi.

Nói về kinh nghiệm học tập, Thông cho biết, em không phải là người chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Nhưng một khi đã ngồi vào bàn học, Thông luôn cố gắng và tận dụng mọi thời gian để tập trung cho bài học.

Đặc biệt, trước đó, Cao Duy Thông đã tham gia thi IELTS và đạt 8.0 điểm mà không hề học thêm ở bất cứ trung tâm hay một lớp học trực tuyến nào. Đây cũng là kỳ tích hiếm thấy ở ngôi trường miền núi THPT Cờ Đỏ.

Thông cho hay, từ những năm THCS, Thông đều tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi của huyện ở hai môn Ngữ văn và tiếng Anh và đều đạt giải Nhất, giải Nhì trong 3 năm lớp 6, 7 và 8. Điều em tiếc nuối nhất là vì dịch Covid -19 nên Thông đã không được tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 9.

Em Cao Duy Thông (bên phải) cùng thầy giáo và bạn học cùng lớp. Ảnh: NVCC.

Em Cao Duy Thông (bên phải) cùng thầy giáo và bạn học cùng lớp. Ảnh: NVCC.

Từ năm lớp 10, khi trúng tuyển vào Trường THPT Cờ Đỏ, Thông đã là học sinh nổi bật. Ở Thông, thầy cô cũng thấy được ở em nghị lực cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi. Đặc biệt, trong quá trình học tập, Thông luôn chứng minh được năng lực bản thân ở các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi thử, các kỳ kiểm tra đánh giá.

Từ năm lớp 10, Thông cũng nuôi ý định thi chứng chỉ IELTS nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, nên em chỉ tự học. “Em nghĩ thuận lợi lớn nhất của em là có một nền tảng ngữ pháp khá chắc. Phần còn lại, em tự tìm tài liệu để tự học. Phần nghe, nói em luyện bằng cách xem các clip trên mạng và tập nói hàng ngày để rèn luyện các kỹ năng. Lần đầu tiên thi IELTS em đạt 7.5 điểm nhưng em muốn nâng cao kết quả của mình hơn. Vì thế lên lớp 12 em tiếp tục dự thi và đạt 8.0 như mục tiêu” - Thông chia sẻ.

Với kết quả thi IELTS, Cao Duy Thông được miễn thi môn tiếng Anh. Tuy nhiên, với mong muốn được thử sức mình ở một kỳ thi quốc gia, em vẫn đăng ký thi và đạt điểm 10. Trước khi thi tốt nghiệp THPT, nam sinh đã xét học bạ và điểm IELTS trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao. Song không muốn phụ lòng tin của cô thầy, gia đình nên Thông vẫn tiếp tục nỗ lực, học tập nghiêm túc để đạt được kết quả cao nhất.

Nỗ lực không chỉ vì ước mơ của riêng mình

Nhận kết quả thủ khoa, cũng là niềm vui vỡ òa của gia đình Thông và cả những người thân quen của em tại làng Cáo, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Trong niềm hạnh phúc, chị gái của Thông đã không cầm được nước mắt. Đằng sau thành tích của cậu học trò người Thổ, là niềm tự hào, gửi gắm ước mơ của bố mẹ, hai chị gái…

Thành tích thủ khoa của Cao Duy Thông cũng là niềm tự hào, gửi gắm ước mơ của cả gia đình. Ảnh: NVCC.

Thành tích thủ khoa của Cao Duy Thông cũng là niềm tự hào, gửi gắm ước mơ của cả gia đình. Ảnh: NVCC.

Cao Duy Thông sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ làm nông ở làng Cáo, xã Nghĩa Mai – thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Gia đình Thông có 3 chị em, dù hoàn cảnh vất vả nhưng từ nhỏ cả 3 chị em đều nổi tiếng trong làng vì học giỏi, chăm ngoan.

Các chị gái của Thông sau khi tốt nghiệp THPT đều lần lượt thi đậu Trường ĐH Y khoa Huế. Nhưng điều kiện kinh tế gia đình không có, bố mẹ chỉ làm nông, tuổi ngày càng cao nên cả 2 chị của em đều không học đại học. Các chị đi làm sớm để phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Mọi hi vọng của các chị đều đặt vào em. "Đó cũng là động lực để em cố gắng suốt những năm qua" - nam sinh tâm sự.

Hoàn cảnh gia đình càng khiến Cao Duy Thông quyết tâm hơn, vì vậy em luôn có ý thức tự học, tự phấn đấu, không bao giờ tự mãn với những thành tích mình đạt được. Nói về cậu học trò của mình, cô Nguyễn Thị Phương Lan – giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1, Trường THPT Cờ Đỏ ấn tượng ngay từ khi Thông vào lớp 10, lúc nào cũng khiêm tốn, chăm chỉ, nỗ lực. Nhà ở xã vùng sâu, vùng xa, cách trường hơn 15km, trong suốt 3 năm THPT, hầu như trưa nào em cũng không kịp về nhà, mà ở lại buổi trưa ăn tạm bánh mỳ hoặc vắt xôi để chiều vào học tiếp.

Với mục tiêu thay các chị thực hiện ước mơ giảng đường đại học, nhưng Thông không áp lực trong học tập, hay học chỉ để thi lấy thành tích, mà bởi mong muốn, khát khao tự thân muốn biết thêm nhiều kiến thức. Cao Duy Thông cho biết với kết quả tốt nghiệp THPT, em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Học viện Ngoại giao. Em rất thích tìm hiểu về lịch sử, về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới, nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Vì vậy, đây sẽ là môi trường để Thông được thực hiện giấc mơ của mình, trở thành một nhà ngoại giao trong tương lai...

Cô Nguyễn Thị Phương Lan cho biết thêm: “Thông cũng là một học sinh đặc biệt, ngoan hiền nhưng cởi mở, không khép mình và luôn biết chia sẻ với bạn bè. Trong lớp thành lập nhóm để giúp đỡ các bạn học kém cùng tiến bộ. Thậm chí, lớp 11, Thông còn tổ chức nhóm để hỗ trợ các anh chị lớp 12 học yếu môn Tiếng Anh. Là giáo viên, tôi bất ngờ và tự hào khi em giành điểm số cao nhất tỉnh, nhưng danh hiệu đó hoàn toàn xứng đáng. Em một tấm gương sáng cho học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số ở ngôi trường còn rất nhiều khó khăn như Trường THPT Cờ Đỏ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ