Năm sinh đẹp, nhiều trường đau đầu vì tuyển sinh vào lớp 1

GD&TĐ - Ngăn hội trường thành phòng học, tăng sĩ số học sinh/lớp, phân luồng học sinh… đó là những cách “chữa cháy” mà các trường công lập tuyển sinh vào lớp 1 tại TP.Hà Tĩnh đang áp dụng.

Năm sinh đẹp, nhiều trường đau đầu vì tuyển sinh vào lớp 1

Bậc tiểu học tăng 600 học sinh, nhiều trường “bó tay”

Theo khảo sát của ngành Giáo dục TP. Hà Tĩnh, bậc tiểu học năm nay tăng khoảng 20 lớp với hơn 600 học sinh. Các trường tiểu học ở khu vực trung tâm vẫn không tránh khỏi sự quá tải. Sức nóng tuyển sinh đầu năm học ở thành phố này vì thế cũng khó “hạ nhiệt” trong năm học 2018-2019.

Theo cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Hà (TP.Hà Tĩnh) cho biết, năm nay trường có 294 học sinh vào lớp 1 (đã trừ số học sinh ở các tổ 13, 14 và 15 được phân luồng tuyển sinh tại trường tiểu học Nguyễn Du), nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ đáp ứng 175 em/5 lớp. Do tỷ lệ sinh cao, nên trường đã làm văn bản xin Phòng giáo dục thành phố nâng số lượng tuyển sinh lên 190 em/5 lớp.

Ngoài ra, để chia sẻ áp lực tuyển sinh, thành phố quyết định chuyển 35 học sinh 2 tổ 4 và 5 sang học tại Trường tiểu học Nam Hà thì vẫn còn dôi dư 69 em. Tuy nhiên, qua khảo sát thì có 44 em có hộ khẩu nhưng không thực sống tại phường. Như vậy, số học sinh thực sống trên địa bàn để tuyển sinh đúng đối tượng vẫn còn 25 em. Trong khí đó, trường được xây dựng quy mô 15 lớp mà nay đã lên tới 26 lớp vẫn không giải quyết được khâu áp lực tuyển sinh vào lớp 1.

Trước sức ép tuyển sinh, nhà trường đã phải sử dụng biện pháp “tại chỗ” như: Biến phòng làm việc giáo viên thành lớp học, đưa thư viện ra ngoài trời để ngăn thành phòng học hay như sử dụng quỹ đất thừa nối thêm phòng, tạo sân chơi cho học sinh.

Tương tự, tại trường tiểu học Thạch Linh, do số trẻ lên lớp 1 tăng nhưng chỉ có 3 phòng học, để giải quyết tình thế, nhà trường đã phải bố trí 2 phòng học khác (1 phòng tiếng Anh và 1 phòng của học sinh lớp 5), để đảm bảo đủ lớp cho các em.

Cũng như Trường tiểu học Nguyễn Du, mọi năm chỉ có 5 lớp học sinh lớp 1 nhưng năm nay tăng lên 8 lớp, buộc nhà trường phải nhường phòng làm việc của giáo viên cho học sinh. Theo các cô, “Học tập của các em quan trọng hơn nhiều so với phòng làm việc của giáo viên. Bởi tính chất của giáo viên là đứng lớp thay vì họp hành”.

Năm đặc thù, tỷ lệ sinh tăng đột biến

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP.Hà Tĩnh cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến số lượng trẻ vào các trường công lập tăng mạnh đầu năm học mới.

Nguyên nhân chủ quan do tâm lý phụ huynh luôn cho rằng, các trường ở trung tâm thành phố có bề dày lâu đời, chất lượng dạy học tốt, đội ngũ giáo viên giỏi nên xảy ra hiện tượng, dù không thường trú trên địa bàn nhưng bố mẹ đã cắt gửi hộ khẩu con em về khu vực này, để được học vào các trường công lập.

Trường tiểu học Bắc Hà tuyển sinh đầu năm học vào lớp 1 có đến 294 em
 Trường tiểu học Bắc Hà tuyển sinh đầu năm học vào lớp 1 có đến 294 em
 
Bàn về nội dung tăng số học sinh lớp 1, bậc tiểu học cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Hà cho rằng: Lứa tuổi bước vào lớp 1 năm nay nhằm vào các em sinh năm 2012 (năm Nhâm Thìn), nhiều người quan niệm đây là năm đẹp nên tỷ lệ sinh cao.

Bên cạnh đó, thành phố đang trên đà phát triển nên dân số tăng, dẫn đến số học sinh tăng. Tuy vậy, các trường ở trung tâm lại không được mở rộng do không có quỹ đất, nên việc xây thêm phòng học rất khó khăn. Các trường đang phải chịu áp lực lớn gồm: Phường Bắc Hà, Nam Hà, Nguyễn Du và Trần Phú.

Trước thực trạng trên, ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Tĩnh cho biết: Đơn vị đã có chỉ đạo các trường phối hợp với Công an phường, xã kiểm soát chặt việc đăng ký hộ khẩu thường trú, tránh tình trạng cắt, gửi con em. Bên cạnh đó, thành phố đang lên đô thị loại 2 nên đã đầu tư nhiều vào trường học để đảm bảo phòng học cho trẻ.

Đồng thời, thành phố cũng đã có đề án xây dựng cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2017 – 2020. Ngoài việc mở thêm 19 lớp (trong đó có 17 lớp 1), kế hoạch phân luồng theo địa bàn cũng đã được thành phố triển khai.

Mặt khác, thành phố cũng đã bố trí đội ngũ giáo viên để cân bằng chất lượng giữa các trường nội thành và ngoại thành, nhằm “chia lửa” cho các trường tại khu vực trung tâm – ông Tuấn nói thêm.

Cũng theo ông Tuấn, để giảm thiểu tỷ lệ quá tải ở các trường công lập, thành phố khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư vào Hà Tĩnh xây dựng các trường tư thục, vừa thay đổi “nếp” sống dạy, học vừa cải tiến về cơ sở vật chất.

Theo thống kê của phòng GD&ĐT TP.Hà Tĩnh, sự phát triển của mạng lưới trường tư thục đã giải quyết được khoảng 30% học sinh cho các trường công lập. Thế nhưng, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp không thể theo kịp với tỷ lệ gia tăng số lượng học sinh và mức đóng góp trường tư còn cao so với thu nhập của số đông người dân. Vì vậy, tuyển sinh đầu cấp vẫn luôn là nỗi lo của phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương trước thềm mỗi năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ