Một lá chắn bức xạ lớn mang tên "New Safe Confinement" đang được di chuyển tới nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, RT hôm qua đưa tin. Đây là bước cuối cùng của dự án trị giá 1,6 tỷ USD nhằm xây dựng một "nầm mồ" khổng lồ ngăn phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng bị hư hại trong nhà máy.
Trong 30 năm kể từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl, hàng nghìn người đã bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau do ảnh hưởng của phóng xạ từ vụ nổ. Sau khi sự cố xảy ra, lò phản ứng số 4 bị hư hại nghiêm trọng và được bao bọc bằng lớp bê tông, thép cực dày.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại lá chắn bê tông này có thể xuống cấp và sụp đổ theo thời gian, khiến chất phóng xạ thoát ra ngoài. Vì thế, một dự án xây dựng lá chắn mới đã được khởi động vào năm 2012.
Lá chắn thép mới gồm hai nửa hình vòm được chế tạo bởi tập đoàn Novarka của Pháp. Nó có tuổi thọ ít nhất là 100 năm và có thể chịu được tác động từ một cơn lốc xoáy. Ngoài ra, lá chắn cũng được lắp hệ thống thông gió để loại bỏ nguy cơ bị ăn mòn.
Theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), lá chắn "New Safe Confinement" là cấu trúc có thể di chuyển trên mặt đất lớn nhất từng được chế tạo với chiều dài 162 m, chiều cao 108 m và tổng trọng lượng là 36.000 tấn.
Nó được lắp ráp ở vùng lân cận rồi đưa vào vị trí bằng hệ thống đòn bẩy thủy lực, thay vì lắp ráp trực tiếp trên lò phản ứng để tránh nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ đối với công nhân. Quá trình này dự kiến hoàn thành hôm 29/11.
"Đây là bước tiến lịch sử nhằm cải thiện sự an toàn của môi trường trên toàn thế giới. Việc lắp ráp lá chắn bao bọc lò phản ứng số 4 ở nhà máy Chernobyl sẽ giúp kết thúc quá trình xử lý hậu quả sự cố kéo dài 30 năm qua", Ostap Semerak, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Sinh thái Ukraine, chia sẻ.