(GD&TĐ) - Học phí khối phổ thông tại TPHCM chính thức tăng từ 2 - 6 lần từ năm học 2013 - 2014. Như vậy sau hai năm đề xuất, trình hoãn, mức học phí mới chính thức được áp dụng.
Nhà trường vui với mức học phí mới vì sẽ có đủ điều kiện để thực hiện tốt hơn các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Riêng phụ huynh thì không khỏi tâm trạng lo lắng vì các khoản chi cho con trong năm học này sẽ tăng cao.
Phụ huynh lo
Mức đóng học phí mới sẽ phải kết hợp hài hòa để nhận được sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh |
Ngày 5/8, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân ký ban hành quy định miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2013 - 2014 đến năm 2014 - 2015. Các mức thu mới sẽ tăng đều từ bậc MN (TH miễn) cho đến THCS - THPT với mức tăng từ 60.000 - 100.000 đồng/tháng cho từng khu vực.
Đón nhận thông tin tăng học phí mới, rất nhiều phụ huynh nghèo đã tỏ rõ sự lo lắng khi mức chi hàng tháng cho con ăn học năm học mới sẽ vượt mức dự chi so với mọi năm. Chị Nguyễn Thị Hải, công nhân may Phương Đông cho biết: Nhà tôi có hai cháu, cháu lớn năm nay lớp 8, cháu nhỏ mới vào lớp 6. Với mức học phí mới vợ chồng tôi chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tăng học phí là điều cần thiết để cải thiện đời sống GV, tăng chi phí cho đầu tư giáo dục. Nhưng với mức thu nhập 8 triệu của hai vợ chồng, chúng tôi thật sự rất lo khi năm học mới gần kề”.
Khi nghe thông tin mức học phí trong năm học tới tăng từ 2 - 6 lần, chị Trần Hải Nguyên, Quận 12 lo lắng: "Tôi có hai cháu cùng đi học, một sắp vào lớp 6, một vào TH. Mỗi tháng đã đóng trung bình 1 triệu/ cháu mỗi tháng. Nếu tăng nữa thì lo quá! Vì ngoài học phí còn nhiều thứ tiền khác, nhất là vào đầu năm học. Chắn chắn hai vợ chồng sẽ phải cố gắng cân đối lại thu chi nếu không thì sẽ không thể đủ chi”.
Anh Trần Quang Vinh, một phụ huynh ở quận Bình Thạnh cho chúng tôi xem mức thu học phí của con (bậc MN) với hàng loạt các khoản phải đóng trong dịp hè như: học phí (240.000đ); phục vụ bán trú: 270.000); tiền ăn ( 19 ngày X 25.000 đ/ngày); vệ sinh phí: 25.000 đ; ăn sáng: 19 ngày x 6000đ/bữa; giữ xe: 25.000 đ; học ngoại khóa: 50.000-100.000 đ/môn tùy theo: vẽ, thể dục nhịp điệu, Anh văn, đàn. “Với các khoản phải đóng hiện nay, hàng tháng vợ chồng tôi đã phải lo cho cháu hơn 1 triệu đồng/tháng, chưa tính thêm cậu lớn với mức đóng hơn 6 triệu/ tháng (học NCL) nên học phí tiếp tục tăng nữa thì lo thật”- anh nói.
Cô Nguyễn Hồng Minh, Hiệu trưởng Trường TH Thuận Kiều cho biết: “Vào đầu năm học mới việc sửa chữa lại phòng ốc phục vụ cho học tập rất tốn kém, chưa kể đầu tư cho trang thiết bị trong khi kinh phí thì hạn hẹp. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập nhiều trường đã vận động sự đóng góp của các mạnh thường quân hoặc phụ huynh nhưng nhiều nơi đã xảy ra tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường đây là điều lo nhất. Chính vì thế, mức học phí mới được thông qua chắc chắn sẽ giúp các trường ổn hơn, dù sẽ mang lại nhiều lo lắng và thêm chút gánh nặng chi phí cho phụ huynh. Nhưng tôi nghĩ, đó là việc cần làm vì mức học phí của chúng ta hiện đã quá lạc hậu”.
Chính sách miễn giảm song hành
Mức tăng học phí mới ban hành chắc chắn sẽ làm nhiều phụ huynh lo lắng. Nhưng các giải pháp hỗ trợ, miễn giảm học sinh nghèo cũng được TPHCM thực hiện song hành với khung học phí mới nên chắc chắn sẽ giảm bớt nỗi lo cho phụ huynh - đồng chí Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết năm học mới đây.
Trao đổi với chúng tôi về các chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, khó khăn, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Từ nhiều năm nay, việc xây dựng mức thu học phí thường dựa theo mức cũ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, khi chế độ lương mới được thực hiện, 40% trên tổng thu học phí được đưa vào phục vụ cải cách tiền lương, vì vậy với mức thu cũ, kinh phí dành cho hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tăng học phí lần này là hợp lý, tuy nhiên để phụ huynh không quá đột ngột, tại TP sẽ có cơ chế thực hiện từng bước, phù hợp với từng địa phương cũng như những chính sách đi kèm.
“Việc tăng mức học phí mới, chắc chắn sẽ đi theo yêu cầu các nhà trường phải nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường các hoạt động ngoài giáo dục để đáp ứng các mục tiêu. Bởi mục tiêu của giáo dục là giúp học sinh chưa ngoan thành ngoan, thụ động thành chủ động, giúp học sinh chưa hoà nhập được với tổ chức đoàn thể trở nên hoà nhập, có kĩ năng, hoặc giúp học sinh say mê nghiên cứu khoa học. Để làm được những việc này đòi hỏi phải có kinh phí, hiện giờ điều kiện đã có, nhiệm vụ còn lại là của các trường” - ông Sơn nói.
Cô Đỗ Thị Hoa - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận Gò Vấp cho rằng: Việc tăng học phí là phải làm vì mức thu cũ không đủ cho hoạt động hỗ trợ giảng dạy. Tuy nhiên, cách thu như nào, chúng tôi cũng đang đợi hướng dẫn từ cấp trên, phải phù hợp từng địa phương. Trong đó, các chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho học sinh nghèo, khó khăn chắc chắn sẽ được làm một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cô Hoa phân tích: Việc tăng học phí sẽ giúp các quận, huyện có thêm điều kiện, kinh phí để chuẩn hóa điều kiện cơ sở vật chất, trang bị thêm các thiết bị phục vụ việc dạy học. Tuy nhiên, nếu các Hiệu trưởng cứ cứng nhắc áp đặt, thực hiện “đổ đồng” mọi phụ huynh đều như nhau cho việc đóng góp thì chắc chắn sẽ xảy ra bức xúc. Do đó việc áp dụng mức học phí mới vừa phải thực hiện hài hòa, lo lắng kịp thời cho các hộ nghèo, mà việc xã hội hóa cũng phải được sự đồng thuận của nhà trường, phụ huynh.
Việc tăng học phí phổ thông TPHCM là thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó thành phố và các quận, huyện đều có chính sách miễn giảm từ 50-100% học phí, hỗ trợ HS nghèo đến trường. Mức học phí mới và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế từ các bậc phụ huynh cho thấy, việc tăng học phí tại TPHCM rất cần sự hài hòa, đồng thuận giữa nhà trường, phụ huynh, nhất là khi vào năm học mới. Việc “tính toán” giữa kinh phí được cấp với các khoản phải chi thực tế từng trường sao cho phù hợp, vừa nâng cao chất lượng hoạt động, vừa hợp lòng phụ huynh mới là điều quan trọng nhất.
Theo mức học phí vừa được HĐND TPHCM thông qua được chia thành hai nhóm: Nhóm 1 đối với HS có gia đình sống ở các quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân). Nhóm 2 đối với HS sống ở các huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè). Cụ thể: Bậc Nhà trẻ: 90 ngàn đồng/tháng (nhóm 2) và 150 ngàn đồng/tháng (nhóm 1). (Mức cũ: 30 và 50 ngàn đồng); mẫu giáo: 60 và 120 ngàn đồng/tháng (mức cũ: 20 và 40 ngàn đồng); THCS: 60 và 75 ngàn đồng/tháng (mức cũ: 10 và 15 ngàn đồng); THPT: 75 và 90 ngàn đồng/tháng(mức cũ: 25 và 30 ngàn đồng). |
Anh Tú