Nam giới cũng cần tiêm vắc-xin HPV

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Việc phòng ung thư do khuẩn HPV ở nam giới được coi là vô cùng quan trọng. Thực tế, về dịch tễ học, số ca mắc ung thư đầu mặt cổ đang tăng trong khi ung thư cổ tử cung giảm dần.

Việc tiêm vắc-xin HPV cho nam được coi là rất quan trọng.
Việc tiêm vắc-xin HPV cho nam được coi là rất quan trọng.

Đặc biệt, ung thư đầu mặt cổ phổ biến hơn ở nam, tỷ lệ mắc gấp 2 - 4 lần so nữ và cũng do HPV gây ra.

Tên gọi đúng của 'vắc-xin ung thư cổ tử cung'

Theo bác sĩ Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ), hiện nay, có 3 loại vắc-xin phòng “ung thư cổ tử cung”. Trong đó, Cervarix của hãng GSK phòng 2 chủng Human Papillomavirus (HPV) 16 và 18 gây ung thư, Gardasil của hãng Merck phòng 4 chủng HPV: 16, 18 gây ung thư và thêm 6, 11 gây bệnh sùi mào gà. Ngoài ra, Gardasil 9 (cũng của Merck, là vắc-xin thế hệ sau của Gardasil) phòng 9 chủng HPV: Ngoài 16, 18, 6, 11 như Gardasil còn phòng thêm 5 chủng 31, 33, 45, 52, và 58 gây ung thư.

Bác sĩ Trung giải thích, các HPV chủng 16, 18, 31, 33, 45, 52, và 58 gây ung thư cổ tử cung ở nữ, ung thư đường hậu môn sinh dục như: Ung thư âm đạo, âm vật ở nữ, hậu môn ở cả nam và nữ, các ung thư vùng đầu mặt cổ như khoang miệng, vùng hầu họng, xoang mũi… ở cả nam và nữ. Các vắc-xin này đều có hiệu lực cao (từ 88 - 100%) trong việc giảm nhiễm HPV và/hoặc giảm các tổn thương tiền ung thư.

“Ở Mỹ và châu Âu, cả Cervarix và Gardasil đều được cấp phép và chỉ định phòng ung thư cổ tử cung nữ, hậu môn sinh dục (nam và nữ). Gardasil 9 được Mỹ cấp phép từ năm 2014 với chỉ định phòng ung thư cổ tử cung và hậu môn sinh dục, mở rộng ra lứa tuổi 27 - 45 (cả nam/nữ) vào năm 2018.

Năm 2020 mở rộng cấp phép phòng cả ung thư đầu mặt cổ (nam và nữ). Do ưu việt của Gardasil 9 so với 2 loại kia, ở Mỹ từ năm 2016 chỉ duy nhất dùng vắc-xin này”, bác sĩ Trung dẫn chứng.

Do đó, ông cho rằng, phải gọi các vắc-xin này là vắc-xin HPV. Bởi, vắc-xin này phòng nhiễm HPV. Qua đó, phòng một loạt các ung thư khác nhau ở cả nam và nữ do HPV gây ra, chứ không phải chỉ phòng ung thư cổ tử cung nữ. Việc dùng tên “vắc-xin phòng ung cổ tử cung” khiến mọi người hiểu lầm là vắc-xin chỉ dùng cho nữ.

Căn bệnh phổ biến hơn ở nam

HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus - một loại virus gây mụn cóc và u nhú ở người. Có hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra. HPV cũng có liên quan đến những ung thư khác như ung thư tế bào gai của hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật. HPV là một loại virus có thể lây truyền qua quan hệ tình dục.

Bác sĩ Trung nhấn mạnh, việc phòng ung thư do HPV ở nam giới là vô cùng quan trọng. Hiện, nhiều người cho rằng, HPV chủ yếu gây ung thư cổ tử cung ở nữ và đây là bệnh phổ biến hơn các loại ung thư khác do HPV gây ra. Tuy nhiên, thực tế, TS.BS Trung lý giải, về dịch tễ học, số mắc ung thư đầu mặt cổ đang tăng trong khi ung thư cổ tử cung giảm dần.

Đặc biệt, ung thư đầu mặt cổ phổ biến hơn ở nam, tỷ lệ mắc gấp 2 - 4 lần so nữ. Ngoài ra, bệnh này cũng phổ biến ở nam giới các nước Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo bác sĩ Trung, ung thư cổ tử cung có thể sàng lọc phát hiện sớm bằng soi cổ tử cung, cũng như làm xét nghiệm Papsmear.

Tuy nhiên, không có biện pháp sàng lọc tương tự để phát hiện sớm ung thư đầu mặt cổ. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư đầu mặt cổ là 30 - 50%, thấp hơn so với ung thư cổ tử cung. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 66 nghìn ca mắc ung thư đầu mặt cổ mới, 15 nghìn người tử vong. Trong khi đó, có 13 nghìn ca mắc ung thư cổ tử cung mới và 4 nghìn người tử vong mỗi năm.

“Rõ ràng tiêm phòng vắc-xin HPV cho nam giới là rất quan trọng. Tiêm chủng mở rộng vắc-xin HPV phải cân nhắc kết hợp cho cả nam giới”, TS Trung nhận định.

Trong khi đó, theo bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tiêm vắc-xin HPV cho cả trẻ em trai và gái. Bởi, virus HPV là nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục và nhiều bệnh ung thư cho cả 2 giới.

Ngoài việc bảo vệ nam giới khỏi bệnh sùi mào gà, ung thư hậu môn, dương vật, miệng, ung thư vòm họng do, việc tiêm vắc-xin ngừa HPV cho nam giới còn có tác dụng bảo vệ bạn tình của họ không bị lây nhiễm HPV.

“Đặc biệt, cần tiêm vắc-xin ngừa HPV cho bất cứ nam giới nào có quan hệ tình dục với người đồng giới cho đến 45 tuổi. Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin ngừa HPV cho nam giới và nữ giới bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bị HIV/AIDS) cho đến năm 45 tuổi cũng rất cần thiết, nếu khi còn nhỏ họ chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ”, bác sĩ Thu Thuỷ khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ