Chú trọng phòng dịch trong trường học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nam Định vừa tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc, các trung tâm GDNN-GDTX nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tuần học kỳ I năm học 2021 - 2022.
Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định nhấn mạnh, các hoạt động trong thời gian đầu của năm học mới diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước và tại tỉnh Nam Định.
Được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp; sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và nhân dân; tinh thần chủ động trong công tác tham mưu, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện phòng, chống dịch bệnh, đồng thời sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức hoạt động quản lý, dạy - học ứng phó với dịch bệnh, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.
Cụ thể, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục thích ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh; từng bước ổn định nền nếp dạy học (cả trực tiếp và trực tuyến), đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình giáo dục.
Nhiều đơn vị, giáo viên tích cực, tiên phong trong phong trào thi đua chung tay phòng chống dịch Covid-19. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ngày càng hiệu quả; công tác thu, chi đầu năm học cơ bản các đơn vị triển khai theo quy định và hướng dẫn.
Công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn trường học được chú trọng. Các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành trong công tác phòng, chống dịch; đảm bảo không chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng cũng không gây hoang mang, lo lắng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Xây dựng mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với ngành Y tế địa phương để kịp thời cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và phối hợp trong công tác phòng, chống dịch, tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cũng như xử lý tình huống khi có dịch xảy ra tại cơ sở giáo dục.
Các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục chủ động báo cáo, tham mưu với Sở GD&ĐT, UBND huyện, thành phố chuyển đổi hình thức dạy học tuỳ vào cấp độ dịch bệnh tại địa phương. Thực hiện theo Kế hoạch số 1638/KH-SGDĐT ngày 25/10/2021 về thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong ngành GD&ĐT Nam Định.
Trong trường hợp khẩn cấp nếu cơ sở giáo dục có trường hợp F0, nhà trường tạm thời cho học sinh dừng học để phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện tầm soát dịch tại đơn vị, đồng thời báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Các cơ sở giáo dục có thể thực hiện huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để thực hiện công tác phòng chống dịch (triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 ...).
Linh hoạt các hoạt động giáo dục
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần bám sát khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 tại Quyết định số 1727/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của đơn vị để đảm bảo ưu tiên thời gian dạy học trực tiếp những kiến thức cơ bản, cốt lõi, những nội dung yêu cầu thực hành hoặc đòi hỏi có sự tương tác cao.
Thực hiện dạy học trực tuyến là giải pháp thay thế dạy học trực tiếp (không coi là một giải pháp tình thế), cùng với dạy học trực tiếp để hoàn thành mục tiêu chương trình và chất lượng lượng giáo dục. Tăng cường công tác quản lý đối với dạy học trực tuyến, các nhà trường xây dựng thời khoá biểu dạy học trực tuyến cho các khối lớp, đan xen giữa các bộ môn, thống nhất về thời lượng cho 1 tiết dạy phù hợp với đối tượng.
Lãnh đạo nhà trường, các tổ, nhóm chuyên môn tích cực dự giờ để nắm bắt tình hình cũng như có chỉ đạo, giúp đỡ giáo viên dạy học trực tuyến; các đơn vị bố trí địa điểm hợp lý tại trường để giáo viên dạy học trực tuyến.
Trong trường hợp giáo viên thực hiện cách ly tại nhà theo quy định của cơ quan y tế, yêu cầu việc dạy học trực tuyến thực hiện ở địa điểm và không gian phù hợp về ánh sáng, âm thanh, khung hình; trang phục của giáo viên đảm bảo thích hợp môi trường sư phạm theo quy định.
Ngoài ra, các hoạt động chuyên môn khác như khảo sát chất lượng, thi nghề phổ thông, thi giáo viên dạy giỏi cụm trường được theo kế hoạch và phù hợp với tình hình diễn biến dịch tại từng địa bàn; có thể thay đổi hình thức nhưng không thay đổi mục tiêu, kiên định đảm bảo mục tiêu chất lượng...
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng cho biết, tính đến ngày 12/11, có 5 huyện của tỉnh vẫn tổ chức dạy học trực tiếp gồm: Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu. Học sinh ở các địa bàn còn lại như TP Nam Định, Nam Trực, Mỹ Lộc, Giao Thủy, Ý Yên đang phải học trực tuyến/qua truyền hình do tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.
Hiện tại, Sở GD&ĐT đã phối hợp với ngành y tế hoàn thành khâu rà soát, lập danh sách và thu thập ý kiến phụ huynh. Thống kê cho thấy, số học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm chủng trong thời gian tới là gần 120.000 em. Khi nào được phân bổ vắc xin, địa phương sẽ tiến hành tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi theo kế hoạch của UBND tỉnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả.