Nam Định: Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển trung tâm học tập cộng đồng

GD&TĐ - Bằng nhiều giải pháp khác nhau, Nam Định đã và đang tập trung huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát huy hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng.

Ông Trần Văn Thùy trong lễ khai giảng năm học 2021-2022.
Ông Trần Văn Thùy trong lễ khai giảng năm học 2021-2022.

Huy động nhiều nguồn lực

Ông Trần Văn Thùy - Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Trực Cường (Trực Ninh, Nam Định) cho biết, địa phương có phong trào xã hội hóa giáo dục đặc biệt phát triển, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh. Cùng với sự phát triển của các trường học, từ khi bắt đầu thành lập đến nay, trung tâm học tập xã Trực Cường luôn là đơn vị điển hình được Sở GD&ĐT Nam Định tặng giấy khen.

Để có được những thành tích ấy, trong những năm qua, Ban Giám đốc cùng với đội ngũ báo cáo viên luôn trăn trở tìm mọi biện pháp để nâng cao sự phát triển bền vững của trung tâm. Một trong những biện pháp trung tâm đã thực hiện hiệu quả đó là việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cách huy động nguồn lực cho hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. 

Từ việc ý thức được tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực cho hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm học tập cộng đồng xã Trực Cường đã tập trung vào cách thức huy động nguồn lực trong cộng đồng và ngoài cộng đồng. Đặc biệt, bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp để làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch hoạt động. Kiện toàn Ban Giám đốc, củng cố sắp xếp lại đội ngũ giáo viên chuyên môn hóa, lên kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, đội ngũ giáo viên thỉnh giảng; xây dựng kế hoạch cho từng năm học, kiểm tra, bổ sung về cơ sở vật chất, nguồn tài chính cho trung tâm... 

Trung tâm học tập cộng đồng xã Trực Cường cũng phát huy hiệu quả thư viện kết hợp với bưu điện văn hóa xã, các thư viện trường học, các phòng tin học vào mỗi chiều thứ 7 và Chủ nhật để bà con nông dân đến đọc sách, tìm kiếm thông tin trên mạng phục vụ cho cuộc sống và sản xuất.

Ngoài ra, Ban Giám đốc trung tâm chủ động liên hệ với các chương trình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, các công ty phân bón, các công ty thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, các công ty thuốc bảo vệ thực vật, phối hợp với Ban nông nghiệp xã, các hợp tác xã nông nghiệp các đoàn thể chính trị, các hiệp hội mở các lớp học và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở lớp kỹ thuật chăn nuôi sau khóa học người học được hỗ trợ đồ nghề thú y. 

Giải pháp quan trọng chính là sự đầu tư nguồn lực từ các học viên trưởng thành tại các lớp học của trung tâm. Sau khi được tham gia học tập các lớp chuyên đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, họ đã áp dụng thành công vào phát triển hình tế gia đình theo mô hình VAC, nâng cao các sản phẩm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Kinh tế gia đình vững vàng người dân đã ủng hộ kinh phí hoạt động cho trung tâm số tiền là 20 triệu đồng. 

Sử dụng nguồn lực tránh lãng phí

Công tác xã hội hóa trong giáo dục tại Trực Ninh luôn được đẩy mạnh.
Công tác xã hội hóa trong giáo dục tại Trực Ninh luôn được đẩy mạnh.

Có thể nói, việc huy động tốt các nguồn lực cho hoạt động của trung tâm, trung tâm học tập cộng đồng Trực Cường trong thời gian qua đã giúp người dân hiểu biết về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tình hình an ninh, chính trị đảm bảo. 

Trong thời gian tới, Nam Định sẽ quán triệt các trung tâm học tập cộng đồng phải xây dựng cụ thể kế hoạch hoạt động trong năm để từ đó biết được mình cần nguồn lực nào nhất trong năm. Tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ của con em quê hương làm ăn thành đạt, phải nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu người học kết hợp với nhu cầu của thị trường để từ đó tư vấn cho các công ty, các đại lý hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Mở các lớp học thiết thực để kêu gọi con em quê hương làm ăn thành đạt đầu tư, hỗ trợ. Biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, các cá nhân làm tốt. 

Xây dựng một hệ thống các nguyên tắc, quy định để đảm bảo các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích và tiết kiệm. Mọi khoản thu chi các chương trình của trung tâm cần được ghi chép và lưu giữ đẩy đủ để đảm bảo tính minh bạch. Sử dụng nguồn lực phải có mục đích cần thiết để tránh lãng phí và phải có nguồn lực dự trữ dồi dào. Sử dụng nguồn lực vì lợi ích chung, không vì cá nhân hoặc nhóm người đặc biệt. Tiếp tục mở các lớp ngắn hạn, mở các chương trình dự án tại trung tâm. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giao dục tại địa phương.

Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, con em quê hương làm ăn thành đạt đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường và cho hoạt động của trung tâm. Ủng hộ quỹ khuyến học, ủng hộ ban công an xã mở các lớp luật, các lớp tư pháp với số tiền mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ông Trần Văn Huyên - Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Hoàng Long mỗi năm ủng hộ mở các chương trình cho môi trường trên 100 triệu đồng, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Nguyên Đán Nhâm Dần...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ