Từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP. Nam định xuất hiện thủ đoạn tội phạm giả dạng người quen của phụ huynh HS, đối tượng chờ ở các cổng trường TH, THCS, THTP để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là xe máy điện, xe đạp điện của HS.
Từ đầu năm học mới đã xảy ra 3 vụ lừa đảo. Đối tượng gây án gồm 1 nam (60 tuổi, dáng người béo đậm) 1 nữ (50 tuổi, dáng người béo). Hai đối tượng thường đeo khẩu trang, xe máy SH Mode.
Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chúng với HS là: Vào giờ tan học (cuối giờ học buổi sáng, hoặc buổi chiều), 2 đối tượng đến cổng các trường TH, THCS, THPT làm quen với HS đi một mình bằng xe máy điện, xe đạp điện và giới thiệu là người quen của phụ huynh.
HS cần đi tập trung thành nhóm để đề phòng lừa đảo, (ảnh minh họa) |
Sau khi tạo được lòng tin, đối tượng nữ bảo các cháu đi theo chúng về nhà để mang quà cho gia đình. Trên đường đi, đối tượng nam tìm lý do “có việc bận, cần phải đi” để đối tượng nữ chở HS bằng xe máy điện, xe đạp điện của HS. Khi chở HS, đối tượng nữ đi lòng vòng qua các khu phố, chọn tuyến đường vắng tìm nhà có khóa cửa ngoài, không có ai ở nhà và nhận nhà mình.
Sau đó, đối tượng nữ bảo HS đứng đợi và mượn xe đi lấy chìa khóa về mở cửa nhà để lấy quà. Khi HS tin tưởng giao xe, đối tượng nữ nhanh chóng tẩu thoát...
Để tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, Công an TP. Nam Định đã đề nghị Phòng GD&ĐT TP Nam Định chỉ đạo BGH các trường TH, THCS; Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động HS, PHHS thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.
Phổ biến đến toàn thể HS, CB, GV, bảo vệ nhà trường và PHHS về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của HS.
Công an TP. Nam Định cảnh báo: Khi đi từ nhà đến trường và ngược lại, khi đi chơi, HS tuyệt đối không đi theo người lạ, không để các đối tượng làm quen, rủ rê đi chơi, cho quà, cho ăn uống, chuyển quà cho người thân bằng bất kì lý do nào.
Các trường cần tăng lắp camera an ninh khu vực cổng, làm trong sạch địa bàn các cổng trường, nhất là vào các giờ cao điểm; buổi đầu giờ học, cuối buổi học cần bố trí bảo vệ, GV chủ nhiệm hướng dẫn, giám sát, quản lý HS…
PHHS cần giáo dục con em “đi đến nơi, về đến trốn”, tan trường là về nhà không đi đến những nơi công cộng. HS nhỏ tuổi nên được bố mẹ đưa đón, HS lớn cần được hướng dẫn đi theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau.
HS, PHHS và CB, GV khi phát hiện thấy đối tượng nghi vấn tại khu vực các trường cần báo ngay cho Công an phường (xã) sở tại để phối hợp giải quyết.
HS đi trên đường bị đối tượng đòi đi nhờ, điều đi đến các địa điểm vắng cần phải dừng lại nhờ người lớn, nhà dân bên đường can thiệp hoặc hô hoán để người lớn biết can thiệp và báo ngay cho công an phường (xã) nơi gần nhất để kịp thời bắt giữ đối tượng, giải quyết sự việc….