Những kinh nghiệm này được cô Nguyễn Thị Thanh Hương và thầy Phạm Trọng Hiếu, giáo viên môn Tiếng Anh - Hệ thống Giáo dục Hocmai, chia sẻ, giúp thí sinh làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT năm nay với môn Tiếng Anh.
Nắm chắc cấu trúc đề, ôn kĩ từng dạng câu hỏi theo chuyên đề
Với bộ môn tiếng Anh, trong những năm thi gần đây, đề thi được giữ nguyên cấu trúc, dạng bài từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ôn thi của thí sinh.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương khuyên thí sinh hãy nắm chắc cấu trúc đề, ôn thật kĩ từng dạng câu hỏi theo chuyên đề giống với đề minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và chú ý độ khó của từng dạng bài.
Ví dụ: Dạng bài trọng âm, phát âm, các câu hỏi hoàn thành câu thuộc dạng bài ngữ pháp, câu hỏi chức năng giao tiếp, tìm câu đồng nghĩa, sửa lỗi sai… đa phần các câu hỏi đều ở dạng nhận biết- thông hiểu. Các câu hỏi khó hơn và mang tính phân loại học sinh nằm ở câu hỏi từ vựng nâng cao, cụm từ, thành ngữ và các câu hỏi mang tính suy luận của dạng bài đọc hiểu, đọc điền.
Dạng bài đọc hiểu và đọc điền vốn là 2 dạng bài gây khó khăn nhất cho các em học sinh thi môn Tiếng Anh, lời khuyên của cô Nguyễn Thị Thanh Hương là hãy làm thật chính xác và hiệu quả về mặt thời gian cho những dạng bài còn lại trước, từ đó mình có thêm nhiều thời gian hơn cho 2 dạng bài này.
Thầy Phạm Trọng Hiếu. |
Tối ưu hóa điểm số dựa trên mục tiêu
Với các học sinh đặt mục tiêu 8 điểm, cô Nguyễn Thị Thanh Hương lưu ý thí sinh chỉ được phép “không chắc chắn” trong tầm 10 câu.
Ở mức điểm này, thí sinh cần nắm thật vững các chuyên đề ngữ pháp, làm thành thục và tuyệt đối chính xác những câu hỏi này, tránh các lỗi sai đáng tiếc.
Ở những dạng bài nâng cao về từ vựng, cố gắng hoàn thành tốt dạng bài đoán nghĩa ở bài đồng nghĩa, trái nghĩa.
Phần từ vựng khó như các câu hỏi về thành ngữ, cụm từ, ngữ động từ, từ vựng nâng cao… thí sinh cố gắng chọn phương án tốt nhất theo đánh giá và năng lực của bản thân.
Bài đọc điền, đọc hiểu hãy giải quyết chính xác những câu hỏi về ngữ pháp hay các câu hỏi về thông tin chi tiết, đại từ thay thế, từ vựng, đúng sai.
Với các học sinh đạt mục tiêu điểm 9,10, thí sinh chỉ được phép “không chắc chắn” không quá 5 câu hỏi.
Để đạt được mức điểm này cần làm tuyệt đối chính xác các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi vận dụng cao rơi vào câu về từ vựng nâng cao, câu hỏi suy luận và câu hỏi chủ đề của đọc hiểu.
Xử lý các câu dễ trước
Lưu ý kĩ thuật làm bài, thầy Phạm Trọng Hiếu cho rằng, học sinh nên tập trung vào các kiến thức cơ bản để xử lý các câu dễ trước, như phần trọng âm, phát âm.
Các phần ngữ pháp trọng tâm cần nắm vững như đảo ngữ, câu giả định, điều kiện, mệnh đề quan hệ, trực tiếp gián tiếp, các liên từ đẳng lập chính phụ, nhân quả. Cần ôn kỹ các thì, các loại câu (câu bị động, câu điều kiện, câu trực tiếp/gián tiếp, …).
Đối với các câu trắc nghiệm từ vựng hoặc đồng nghĩa trái nghĩa, khi gặp từ mới, không nên hoang mang mà cần dựa vào bối cảnh chung của câu để suy đoán ý nghĩa của từ cần chọn.
Đối với dạng bài đọc hiểu, nên tập trung xử lý các câu chứa tên riêng, viết hoa, con số,... do dễ "định vị" được đoạn thông tin trong bài đọc để trả lời câu hỏi.
Đề thi tiếng Anh Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm, có cấu trúc gồm 50 câu hỏi, thời gian làm bài là 60 phút. Lượng kiến thức trong đề thường thuộc các dạng bài quen thuộc, gồm: Chọn từ để hoàn thành đoạn văn; tình huống giao tiếp; tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa; tìm lỗi sai trong câu; xác định câu đồng nghĩa, kết hợp câu; đọc - hiểu…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó có đề tham khảo tiếng Anh, giúp giáo viên, học sinh thuận lợi trong ôn tập, từ đó đạt kết quả tốt trong Kỳ thi sắp tới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày: 7/8-8/8; trong đó thời gian thi Ngoại ngữ (trong đó có tiếng Anh) diễn ra vào chiều ngày 8/8.