Trật tự thế giới tự do đã được xây dựng sau năm 1945 khi bức tường Berlin sụp đổ thì nay bỗng nhiên trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi tự do thương mại trở thành mục tiêu bị tấn công, Liên minh châu Âu vững chắc bắt đầu vụn vỡ và những cường quốc mới trỗi dậy.
Theo các chuyên gia, tất nhiên những mầm mống này đã được gieo hạt từ trước năm 2016, đó là: hệ quả của sự toàn cầu hóa, dòng người nhập cư ồ ạt, sự oán giận trước tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng và mất niềm tin vào các thể chế chính trị.
Những hiệu ứng đó gộp lại và lan truyền mạnh mẽ thông qua mạng xã hội và các kênh thông tin giả. Vì vậy, ít ai có thể tưởng tượng được rằng các sự việc này lại đem đến trái đắng bất ngờ như vậy.
Những người ủng hộ Brexit tại Anh. Nguồn: CNN
Vào cái ngày trước khi người dân Vương quốc Anh đi bỏ phiếu về việc có rời khỏi Liên minh châu Âu hay không, một du khách người Texas (Mỹ) sống tại châu Âu đã bắt chuyến tàu từ Brussels tới London. Anh đi du lịch vòng quanh châu Âu với cả gia đình nhưng người này hào hứng với chủ đề Brexit hơn cả việc đi thăm quan Cung điện Buckingham.
“Tôi thực sự hy vọng Vương quốc Anh sẽ tách khỏi EU”, anh cho biết. Người du khách này bắt đầu nói đến những chủ đề như sự tự chủ, tự do khỏi đường lối chính trị khuôn mẫu và sự toàn cầu hóa, và đó là lý do anh ủng hộ ông Trump làm Tổng thống Mỹ.
“Tôi thực sự cũng không thích ông Trump cho lắm”, anh thừa nhận. Nhưng anh cho biết mình đã mệt mỏi khi phải xin lỗi chỉ vì mình là người Mỹ da trắng, mệt mỏi vì các trường đại học luôn dạy họ rằng Mỹ là một quốc gia đã gây ra nhiều điều không tốt và mệt mỏi khi những niềm tin của anh luôn bị coi là hạn hẹp.
Mất niềm tin vào tầng lớp lãnh đạo
Một câu nói mà rất nhiều người Mỹ đã lặp đi lặp lại trong năm nay, đó là “Tôi thực sự không thích Donald Trump nhưng…”, theo sau là một danh sách dài những lời than phiền.
Ở những thành phố như Thomaston, bang Georgia, ông Trump có một lượng khán giả nhất định. Cho đến những năm 1990, khoảng 4.000 người dân tại đây luôn có việc làm ổn định trong các nhà máy dệt.
Nhưng sau đó, các công việc này xuất ngoại, tới Guatemala và Bangladesh và những công việc có mức lương tốt trở nên khan hiếm. Hầu hết các nhà máy dệt gạch đỏ ở thị trấn 10.000 người này giờ đây đều đã đóng cửa, bị lấp đầy bởi cỏ dại.
Ông Trump lấy lòng các cử tri thuộc tầng lớp lao động. Nguồn: CNN
Thị trưởng John "JD" Stallings lớn lên ở khu vực này vẫn nhớ quãng thời gian các cửa hàng ở tuyến phố chính nhộn nhịp khách hàng và sẵn sàng cho bạn nợ đến ngày hôm sau.
Giờ đây, không còn nhiều ở hàng ở đó, mọi người thường tới siêu thị lớn Walmart ở ngoài rìa thị trấn để tiết kiệm tiền bởi có thể mua được đồ ngoại nhập rẻ hơn, tốt hơn.
Ông Stallings cho biết cuộc bầu cử năm nay rất khác biệt. Ông Trump huy động được các cử tri bởi ông hứa hẹn cho họ việc làm và từ chối các thỏa thuận như Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông cho là “phá hủy nước Mỹ vốn có”. Ở những nơi như Thomaston, thông điệp đó rất có tiếng vang.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nhắc đến những người cảm thấy “họ bị bỏ lại phía sau”, những người không thể đảm bảo với con cái của mình rằng tương lai sẽ ổn, những người không có niềm tin rằng các chính trị gia sẽ thay đổi được gì.
Trong khi giới thượng lưu vẫn giàu có và sống tốt, sống thọ hơn bao giờ hết thì những người này lại càng đi xuống. Từ năm 2001 đến 2014, tuổi thọ của 5% giới siêu giàu Mỹ đã tăng lên ba năm.
Còn đối với 5% người dưới đáy xã hội thì tỷ lệ này không hề tăng một chút nào. Ở cả hai phía Đại Tây Dương, tâm trạng này lan tỏa khắp nơi với nhiều người cho rằng chính phủ “đã không chăm sóc được cho họ”.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bè phái
Sự tức giận này không phải là “cánh tả” hay “cánh hữu” mà đơn giản là “chống đối”. Và tư tưởng này đã được các chính trị gia ngoài luồng như Donald Trump, Nigel Frage của Anh hay Beppe Grillo, lãnh đạo Phong trào Năm sao ở Italia tận dụng rất hữu hiệu.
Tự cho mình là những nhà dân túy, họ sử dụng các từ ngữ thẳng thừng, đề cập đến các vấn đề phức tạp bằng những cụm từ đơn giản và đứng về phía tầng lớp thua thiệt.
“Tôi yêu quý những người nghèo có giáo dục”, ông Trump giải thích. Chiến thắng của ông giành được trong lực lượng người da trắng có bằng cấp có tỷ lệ lớn nhất trong số các ứng viên Tổng thống từ năm 1980.
Năm 2016, lực lượng này trỗi dậy, thách thức mọi sự thật, mọi tri thức, mọi khoa học. Không chỉ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo ở nhiều nước châu Âu cũng phải giật mình trước những tư tưởng phi truyền thống này.
Banner của đảng cánh hữu trong cuộc trưng cầu dân ý tại Italia. Nguồn: CNN
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng cho Financial Times biết: “Khi các cử tri đi theo một hướng khác, có nghĩa là các chính đảng cần phải cho họ thấy chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề này một cách thành công”.
Ông Rutter sẽ phải đối mặt với thách thức này trong cuộc bầu cử vào tháng Ba sắp tới với các cuộc thăm dò cho thấy đảng Tự do chống đối EU đang dẫn trước.
Chính phủ ông Rutte đã buộc phải ban hành các quy định mới yêu cầu người tị nạn phải “có trách nhiệm với bản thân để hòa nhập, học ngôn ngữ và tìm việc làm”.
Tại Đức, bà Angela Merkel cũng đã đề nghị ban hành lệnh cấm đeo mạng che mặt ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017. Thủ tướng Đức cũng phải đối mặt với sự trỗi dậy của đảng cánh hữu, Sự lựa chọn khác cho nước Đức.
Tại Pháp, ông Francois Fillon coi mình là một ứng viên theo đuổi các giá trị của tầng lớp trung lưu Công giáo. Các cuộc khảo sát cho thấy ông Filon sẽ đối đầu với lãnh đạo Mặt trận Dân tộc, Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm sau, điều đó có nghĩa là phe cánh hữu sẽ đối đầu với một phe cánh hữu khác.
Theo nhiều chuyên gia, có thể năm 2017 sẽ hé lộ những manh mối đầu tiên cho thấy một xã hội của sự tha thứ, tự do thương mại và đa dạng liệu có thể đứng vững và tái sinh được hay không.
Hay năm 2017 sẽ là khởi đầu cho một kỷ nguyên của chủ nghĩa sô vanh (chủ nghĩa bè phái cực đoan) mà Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình khi tiếp tục là một quốc gia chia rẽ hậu bầu cử.