Năm 2015: Năm nhiều dấu ấn của chính quyền Barack Obama

Trong năm 2015, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã để lại nhiều dấu với những thành công nhất định trong lĩnh vực đối ngoại và đối nội.

Năm 2015: Năm nhiều dấu ấn của chính quyền Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: Getty Images)

Có thể nói, trong năm 2015, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã để lại nhiều dấu với những thành công nhất định trong lĩnh vực đối ngoại và đối nội, đặc biệt trong bối cảnh đây là năm “áp chót” nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Dấu mốc đầu tiên phải kể tới là việc Mỹ và Cuba chính thức nối lại quan hệ ngoại giao sau nhiều thập kỷ gián đoạn. Hai bên đã mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước, thực thi nhiều biện pháp nới lỏng đi lại, mở đường cho tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương.

Tại điểm "nóng" Trung Đông, các cường quốc thuộc nhóm P5+1 do Mỹ đứng đầu đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran sau 9 năm thương lượng nhằm ngăn chặn hoàn toàn khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.

Về kinh tế, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước thành viên mà Mỹ là trụ cột đã kết thúc sau 5 năm bằng một thỏa thuận lịch sử tại thành phố Atlanta đầu tháng 10 vừa qua.

Thỏa thuận này được coi là sẽ giúp giải quyết các thách thức của thương mại quốc tế thế kỷ 21, xây dựng các quy tắc thương mại của khu vực trong nhiều thập kỷ tới , đồng thời tạo ra một khu vực chiếm đến 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 2015, có thể nói nước Mỹ đã “làm” nhiều hơn “nói,” trong đó có việc hỗ trợ 250 triệu USD trong khuôn khổ sáng kiến tăng cường an ninh biển cho các quốc gia Đông Nam Á.

Các động thái cương quyết hơn như tăng cường hiện diện quân sự hay hỗ trợ năng lực biển cho các đồng minh và đối tác trong khu vực được chính quyền Mỹ đẩy mạnh vào thời điểm quan trọng nhằm hai mục đích: Thứ nhất, Mỹ không thể chậm chân hơn nữa trong việc tỏ thái độ dứt khoát và đưa ra chiến lược cụ thể đối phó với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ hai, ghi thêm điểm cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Về tình hình trong nước, kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. L ần đầu tiên trong gần 8 năm qua, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất.

Bước đi này đã được dự báo trước trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt từ công nghiệp, nhà đất, chế tạo cho tới dịch vụ...

Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,75% trong quý IV/2014 xuống 5% trong quý IV/2015.

Mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra trung bình khoảng 200.000 việc làm. Việc cải thiện thị trường lao động đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 2% trong 3 quý đầu năm 2015.

Tuy nhiên, dường như nước Mỹ vẫn bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, Đông Âu cũng như cuộc chiến chống khủng bố, Hồi giáo cực đoan mà tiêu biểu là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Dù phe Cộng hòa liên tục chỉ trích Tổng thống Obama là quá mềm mỏng trong vấn đề Ukraine, nhưng bản thân họ cũng không đưa ra được giải pháp nào khả dĩ hơn các lệnh trừng phạt kinh tế mà ông Obama áp dụng đối với Nga.

Trong vấn đề chống khủng bố tại Syria và Iraq, phe Cộng hòa chỉ trích rằng việc Tổng thống Obama đánh giá thấp IS đã tạo điều kiện cho tổ chức khủng bố này trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo đánh giá của giới phân tích, những hạn chế của Mỹ trong những vấn đề nêu trên là do thiếu một chiến lược tổng thể ngay từ ban đầu, chứ không phải do những mâu thuẫn nội bộ bên trong nước Mỹ.

Bên cạnh đó, nước Mỹ vẫn chưa xử lý ổn thỏa một số vấn đề đối nội như tranh cãi trong vấn đề quản lý súng đạn, được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ xả súng liên tiếp gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là ảnh hưởng quá lớn của ngành công nghiệp súng đạn mà đại diện là Hiệp hội Súng trường Mỹ đối với chính giới nước này. Trong vấn đề biến đổi khí hậu cũng có sự chia rẽ rõ rệt về quan điểm.

Trong khi đảng Dân chủ và Tổng thống Obama liên tục cảnh báo về tác động khôn lường của biến đổi khí hậu thì phe Cộng hòa hoặc là phủ nhận, hoặc cho rằng biến đổi khí hậu không phải do con người gây ra.

Một số khác cho rằng chính sách chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Obama sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ mà gần đây nhất là phản đối kế hoạch điện năng sạch mà ông Obama công bố vào tháng 8 vừa qua.

Tổng thống Obama và người dân Mỹ chào đón Giáng sinh. (Nguồn: Getty Images)

​Giới phân tích dự đoán rằng nếu Tổng thống kế tiếp là người của đảng Cộng hòa, nhiều khả năng một số quy định chống biến đổi khí hậu mà ông Obama ban hành sẽ bị hủy bỏ.

Những kết quả tích cực của chính quyền Tổng thống Obama đạt được trong năm 2015 chắc chắn sẽ là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, hiện đã được khởi động trên toàn quốc.

Đến nay, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã tổ chức 5 vòng tranh luận được truyền hình trực tiếp, trong khi đảng Dân chủ đã tổ chức 3 vòng tranh luận. Những thành công trong các chính sách đối ngoại, đối nội trong thời gian qua đang phần nào giúp cho phe Dân chủ giành lại được sự ủng hộ của người dân Mỹ sau thất bại tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba, hoàn tất đàm phán TPP là những yếu tố quan trọng, nhưng không hẳn mang lại lợi thế tuyệt đối cho đảng Dân chủ.

Sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là IS, một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn trên trường quốc tế, cùng với cuộc xung đột ở Trung Đông chưa có hồi kết... tiếp tục là những thách thức mà chính quyền Obama sẽ phải đối mặt trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ.

Trên thực tế, chính đảng Cộng hòa dường như cũng đang bế tắc trong việc đề xuất một chính sách thay thế khi không thể quay lại chiến lược hiếu chiến cũ, vốn bị dư luận Mỹ phản đối mạnh mẽ.

Cho dù còn nhiều tranh cãi, nhưng xét trên những thành quả đạt được, có thể nói năm 2015 là một năm có nhiều điểm sáng trong chính sách đối ngoại và đối nội của chính quyền Washington và Tổng thống Obama cũng đã tạo được những dấu ấn của riêng mình.

Tuy nhiên, còn gần một năm nữa mới tới cuộc bầu cử tổng thống, nên hiện còn quá sớm để có thể nói rằng những di sản của ông Obama trong năm nay sẽ mang lại lợi thế cho phe Dân chủ trước phe Cộng hòa trong cuộc “so găng” vào cuối năm 2016./.

Theo vietnamplus.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.