(GD&TĐ) - Công tác tổ chức chỉ đạo, biên soạn giáo trình là yêu cầu bắt buộc và là cam kết của các trường về năng lực và chất lượng đào tạo để xã hội giám sát. Hiện các trường cũng đang nỗ lực để đến năm 2015 mỗi chương trình đào tạo đều có đủ giáo trình phục vụ đào tạo. Tuy nhiên, với không ít trường, biên soạn và xuất bản giáo trình là một nhiệm vụ khó khăn trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với các trường “trẻ”.
-> Nhập khẩu giáo trình, tại sao không?
Phòng đọc tại thư viện Tạ Quang Bửu - ĐH Bách khoa Hà Nội với rất nhiều giáo trình, đầu sách |
Năm 2011, Bộ GD&ĐT đã có thông tư số 04/2011/TT-BGD ĐT quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục ĐH. Theo thông tư này, chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình các môn học của chương trình đào tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ phải có chức danh GS, PGS hoặc trình độ tiến sĩ thuộc chuyên ngành của giáo trình đó. Đối với giáo trình trình độ CĐ, trong trường hợp không có tiến sĩ cùng chuyên ngành thì chủ biên hoặc đồng chủ biên tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ. Tác giả giáo trình được hưởng các chế độ nhuận bút, bản quyền tác giả theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Từ cơ sở trên, nhiều trường ĐH, CĐ đã ban hành quy định về việc biên soạn, sử dụng và thẩm định giáo trình, đề cương bài giảng, đề cương môn học của trường mình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường nào cũng có đủ điều kiện về nhân lực và tài chính để tổ chức biên soạn, lựa chọn giáo trình theo đúng quy định.
Với tuổi đời 10 năm, Trường ĐH Đồng Tháp thừa nhận còn có khó khăn trong công tác này. Theo Hiệu trưởng - TS Nguyễn Văn Đệ, khó khăn chung của các trường còn non trẻ là đang trong giai đoạn phát triển nên nguồn nhân lực chưa đáp ứng được theo các điều kiện về biên soạn giáo trình theo Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT. Nguồn lực tài chính không cho phép các trường đưa hoạt động biên soạn giáo trình vào hạng mục ưu tiên, trong khi vẫn có các hướng giải quyết khác như sử dụng giáo trình của các trường khác hoặc biên soạn ở mức thấp hơn như bài giảng, tài liệu học tập. Bên cạnh đó, hệ thống tín chỉ mới được áp dụng, chương trình đào tạo mới chuyển đổi, chưa ổn định là trở ngại lớn trong hoạt động biên soạn giáo trình. Hiện Trường ĐH Đồng Tháp có 3.379 giáo trình phục vụ học tập, đáp ứng 77% nhu cầu học tập của sinh viên. Trong ba năm học gần đây, trường cũng đã tổ chức biên soạn được 75 bài giảng điện tử phục vụ cho việc học tập qua mạng.
Với ĐH FPT, trong giai đoạn phát triển ban đầu, trường này không chủ trương tự biên soạn giáo trình. Hiệu trưởng Lê Trường Tùng lý giải: Ngay từ học kỳ đầu tiên cần đảm bảo 100% môn học đều phải có giáo trình nên nếu tự biên soạn thì không kịp. Thứ nữa, cần phải có giáo trình tốt, nhưng tự biên soạn sẽ vừa tốn kém vừa không thể tốt bằng sử dụng giáo trình mà các trường ĐH nổi tiếng đang dùng. Với định hướng quốc tế, giáo trình phải bằng tiếng Anh để sinh viên và giảng viên nước ngoài có thể sử dụng được, mà việc thuê chuyên gia Việt Nam soạn giáo trình bằng tiếng Anh là không khả thi.
Các trường “trẻ” tự soạn giáo trình gặp khó khi mắc luật sở hữu trí tuệ Ảnh: Hồng Giang |
Không dễ có một bộ giáo trình phù hợp
TS Nguyễn Văn Đệ cho rằng, mục tiêu đảm bảo các chương trình đào tạo đều có đủ giáo trình không khó, khó ở chỗ các trường cần phải có một bộ giáo trình phù hợp.
Mà đa số các trường đều không đủ khả năng lực và điều kiện thực hiện, vì vậy cần có sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng chương trình đào tạo và biên soạn giáo trình, bài giảng để có thể công nhận chương trình đào tạo của nhau và phát huy thế mạnh về hoạt động trong biên soạn trong từng môn học, từng ngành đào tạo mỗi trường.
Các trường “mạnh” có nhiều chuyên gia đầu ngành, đồng thời là các chuyên gia viết giáo trình, họ cũng đồng thời có cả nhà xuất bản nên sẽ là nơi cung cấp giáo trình cho các trường ĐH, CĐ khác trong toàn quốc. Tuy nhiên, các trường “mạnh” thường có nguồn tuyển sinh chất lượng cao nên giáo trình được viết ra dành cho các đối tượng này sẽ rất khó sử dụng trong các trường có nguồn tuyển sinh chất lượng thấp hơn. Chưa kể hiện tượng vi phạm bản quyền, luật sở hữu trí tuệ (photo copy giáo trình) cũng ảnh hưởng rất nhiều tới công tác biên soạn và xuất bản giáo trình.
Bốn cái khó “bó” cái khôn
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi đưa ra 4 cái khó: Một là, có những thầy giỏi không muốn “cho người khác học, lộ bài”. Hai là, có thầy lại quan niệm ĐH, CĐ không phải phổ thông cấp 4 nên không có giáo trình mà chỉ có một số sách tham khảo. Ba là, kinh phí đầu tư cho viết giáo trình quá thấp, rất thấp nên chưa khuyến khích và tạo động lực để các thầy viết giáo trình. Bốn là, không phải thầy cô nào dạy ĐH, CĐ cũng viết được giáo trình.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi – PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, các trường ĐH, CĐ nếu không phải là các trường đầu ngành thì không nên tổ chức biên soạn giáo trình, mà lựa chọn giáo trình chuẩn, chất lượng để mua, trao đổi, phủ kín các môn học của các ngành - đó là một trong các giải pháp tiết kiệm và khoa học. Trường ĐH Nguyễn Trãi đã đi theo cách đó là chính. Với một số ít các môn học mang đặc thù nghề nghiệp, trường đầu tư kinh phí thỏa đáng để các giảng viên giỏi của trường biên soạn. Hiện thư viện của Trường ĐH Nguyễn Trãi có đầy đủ cả 3 loại giáo trình: Giáo trình bản cứng, giáo trình số hóa và các bài giảng điện tử. 100% môn học đều có giáo trình.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi: Một số trường đã xây dựng quy định về công tác giáo trình, ban hành và hướng dẫn thật cụ thể. Nếu có thể được, Bộ GD&ĐT có quy định chung, cụ thể và chi tiết như thế và Bộ Tài chính điều chỉnh mức thù lao cho tác giả viết giáo trình cho phù hợp thực tế hiện nay. Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng: Cần hiểu giáo trình không chỉ đơn thuần là một cuốn sách chuyên môn mà là tài liệu phục vụ cho giảng dạy ĐH, đã chia thành các chương mục tương đối phù hợp với lịch giảng dạy, đồng thời kèm theo các tài nguyên phục vụ giảng dạy như hướng dẫn cho giảng viên, hệ thống bài tập, ngân hàng câu hỏi, slide trình chiếu, các tài liệu bổ sung trên mạng… |
Hiếu Nguyễn