“Việc mua S-400 không phải là một sự ưa thích mà là điều cần thiết, nó không có nghĩa là chúng tôi xa lánh NATO. Nếu nhu cầu xuất hiện và chúng tôi có được sự đảm bảo liên quan tới chuyển giao công nghệ, sản xuất chung và lịch trình giao hàng, chúng tôi có thể mua hệ thống Patriot hoặc SAMP-T (Nền tảng tên lửa đất đối không). Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc với các đồng minh của mình về các lựa chọn thay thế và sẽ tiếp tục nỗ lực này. Chúng tôi không thể chấp nhận những tuyên bố như ‘chúng tôi sẵn sàng bán, nhưng quốc hội không cho giao hàng’” – Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Akar.
Quan chức cao cấp trên khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc thử đối với các hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất ở Sinop và lưu ý đây chỉ là công việc đã lên lịch trong hợp đồng.
“Mọi hợp đồng mua đều có các cuộc thử. Đây là một phần của chương trình mua vũ khí và hoàn toàn là các hoạt động mang tính kỹ thuật” – ông Akar nói.
Đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cảnh báo Navtex quốc tế về các cuộc tập trận pháo binh tại khu vực thị trấn Sinop trên Biển Đen từ ngày 13 đến 17/10. Một nguồn tin quốc phòng nói với Sputnik rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm thành công các hệ thống S-400 trước đó đã mua từ Nga.
Moscow và Ankara đã ký thỏa thuận cho vay về việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ S-400 vào tháng 12/2017. Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được một số khẩu đội S-400 trị giá 2,5 tỉ USD.
Sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vấn đề này bị NATO và Mỹ chỉ trích mạnh mẽ khi dẫn ra những lo ngại về an ninh như cho rằng các tổ hợp S-400 không tương thích với hệ thống phòng không của NATO.
Để đáp lại việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận, Mỹ đã quyết định đình chỉ việc Ankara tham gia chương trình máy bay phản lực tàng hình F-35 vào tháng 7/2019, cam kết loại bỏ hoàn toàn nước này khỏi dự án.