Dù có nhiều nỗ lực và đạt được một số khởi sắc trong những năm qua song trước chặng đường phát triển mới của Hà Nội, mỹ thuật Thủ đô cần có sự đổi mới mạnh mẽ, tâm huyết hơn nữa. Tuy nhiên, để tránh đi vào lối mòn thì chưa bao giờ là dễ dàng đối với mỗi người cầm cọ...
Đó là những trăn trở được các họa sĩ, nhà nghiên cứu đưa ra tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô thời kỳ đổi mới” do Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức.
Nhìn nhận từ nhu cầu thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội không chỉ có bề dày truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử mà còn có những bước vươn mình mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới.
Nhất là khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 và 14 năm qua đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… từ đó gợi mở nhiều đề tài để họa sĩ quan tâm, khai thác.
Hiện, Hội Mỹ thuật Hà Nội có hơn 500 hội viên – một lực lượng sáng tác khá hùng hậu, chất lượng, hoạt động sôi nổi, luôn yêu nghề. Để thúc đẩy phong trào cũng như nâng cao chất lượng sáng tác, nhất là về đề tài Hà Nội, Hội mở trại sáng tác, tổ chức giao lưu kết nối với Hội Mỹ thuật Huế, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh; đi thực tế trong đó có nhiều “chuyến đi thực tế một ngày”để hội viên tiếp cận với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng, nghệ thuật truyền thống, phong tục lễ hội…; thâm nhập vào những nơi lao động sản xuất, xây dựng, học tập, đời sống sinh hoạt..., từ đó khơi nguồn đề tài và cảm hứng sáng tác cho hội viên.
Nhất là, việc Hội duy trì tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô thường niên hàng chục năm qua là hoạt động gây tiếng vang về quy mô và chất lượng, thu hút sự tham gia của đông đảo họa sĩ, nhà điêu khắc, trong đó có cả những tác giả tuy tuổi cao song vẫn tâm huyết với nghề, nhất là nhóm tác giả vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng, nông nghiệp, giao thông.
Tiêu chí và phạm vi phản ánh của triển lãm ngày càng được mở rộng, không bó hẹp ở Thủ đô Hà Nội mà mở rộng đến các vùng miền của đất nước... Nhiều tác phẩm có quy mô lớn về kích thước, chất lượng về nội dung thể hiện nhiều góc nhìn độc đáo trong cách tiếp cận hiện thực, xử lý chất liệu và chuyển hóa thành tác phẩm, hội tụ tại đây được đánh giá cao.
Điều đáng mừng khi những năm qua lực lượng sáng tác trẻ lại được ẵm nhiều giải thưởng hàng năm.
Thực tế đó cho thấy, họa sĩ trẻ vừa tài năng vừa chuyên tâm với nghề, làm nên những tác phẩm được đầu tư công phu, có nhiều ý tưởng, nhiều khám phá mới mẻ về hình thức, kỹ năng cũng như cách thể hiện điêu luyện cùng nội dung có sự tìm tòi công phu. Họ cũng là lực lượng nòng cốt, để lại ấn tượng trong các sự kiện mỹ thuật diễn ra tại nhiều triển lãm trong nước và quốc tế.
Đổi mới để theo kịp
“Đổi mới nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật luôn thường trực trong suy nghĩ của mỗi nghệ sĩ, không phải chỉ ở thời kỳ đổi mới chúng ta mới nghĩ đến nâng cao chất lượng mà đó là trách nhiệm của người cầm bút sáng tác trong suốt chặng đường làm nghề” - Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy
Tuy nhiên, theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, việc nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới luôn cần thiết. Ở đó có rất nhiều nội dung, đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải dày công tìm hiểu, khai thác để đưa vào tác phẩm sao cho phù hợp cả về nội dung và hình thức, gắn liền với sở trường của mình.
“Nâng cao chất lượng sáng tác luôn là nỗi lo, niềm trăn trở của người nghệ sĩ, nhất là mỗi khi gần đến dịp Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (thường được tổ chức dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô - 10/10 hàng năm). Mỗi họa sĩ hay nhà điêu khắc phải tìm cho mình một nội dung, đề tài phù hợp với sở trường, sở đoản, năm sau phải chất lượng hơn năm trước, trong đó bao hàm về nội dung, thủ pháp kỹ thuật và cảm xúc về màu sắc.
Tuy nhiên, những câu từ ở các nội dung không phải là mới mẻ, nghe còn thấy rất xưa cũ. Để làm mới nó, việc tìm ra cách làm thế nào để không đi vào lối mòn không hề đơn giản”, ông Thủy nhấn mạnh.
Nhà phê bình mỹ thuật Đặng Thanh Vân thì nhấn mạnh đến yếu tố con người “luôn là vấn đề tiên quyết trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong nghệ thuật”. Theo đó, các họa sĩ, nhà điêu khắc phải giỏi nghề, hiểu biết về yêu cầu hiện tại của thành phố: Coi văn hóa nghệ thuật là bộ phận quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó có mỹ thuật.
Đồng thời, nhà phê bình mỹ thuật này đưa ra quan sát: Hà Nội đổi thay từng ngày, từng giờ. Nhiều con đường được mở, tòa chung cư cao vút, công viên rộng lớn xanh mướt, tàu sắt trên cao, Metro, được xây dựng. Nhất là, địa giới Thủ đô được mở rộng, cả một nền văn hóa xứ Đoài sáp nhập vào Hà Nội.
Từ thực tế đó bà Vân không khỏi trăn trở: “Nên nhiệm vụ phản ánh cuộc sống đương đại của văn nghệ sĩ, trong đó có giới mỹ thuật cũng nặng nề hơn, khó khăn hơn. Các nghệ sĩ không thể cứ đi mãi con đường mòn vẽ chim, hoa, cá, gái, rồi phong cảnh đèm đẹp…
Mà những bức tranh lấy đề tài về xây dựng Thủ đô phải được vẽ như những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, song hiện nay rất thiếu vắng trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Vậy cần làm thế nào để nghệ thuật theo kịp, và phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của một Hà Nội đang mở rộng, xây dựng và phát triển?”.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng, từ sức vươn dậy lớn mạnh về mọi mặt của Hà Nội vừa khơi dậy tiềm năng sáng tạo, vừa thúc đẩy những quan niệm nghệ thuật đổi mới, các cảm xúc sáng tạo nghệ thuật đưa lại những hiệu quả mới.
Từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật, phát triển phong cách, tác động vào việc phát triển và ngày càng làm đậm nét mỹ thuật Thủ đô; đồng thời nghệ thuật tạo hình trong nước từng bước hội nhập với mỹ thuật thế giới mà luôn đề cao bản sắc dân tộc.
“Tự do sáng tác, tìm cái mới cho nghệ thuật, mọi tài năng phát huy, mở ra diện mạo mới, đa dạng, hình thức biểu hiện ngôn ngữ ít nhiều gây được những ấn tượng đáng kể. Điều đó cho thấy các khởi sắc mới của mỹ thuật Thủ đô.
Tuy nhiên vẫn còn tranh thiếu chiều sâu, thiếu sinh động hoặc chưa đi sâu “tư duy hình tượng” mà dẫn đến kém hiệu quả. Cùng với đó, Hà Nội đã chuyển mình, thay đổi rõ rệt về xây dựng, nổi rõ là các “đề tài” như: Các công trình giao thông cầu – đường (như các cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân và đường sắt trên cao...); các cao ốc (khu đô thị, siêu thị, nhà hàng, trường học, bệnh viện...). Thế nhưng, “đề tài” này vẫn còn ít được quan tâm để sáng tác”, ông Chiến bày tỏ.
Đừng để “tưởng tranh của ai đó”
Họa sĩ Hoàng Kim Tiến thì bày tỏ niềm vui khi thấy nhiều họa sĩ trẻ tâm huyết với nghề. Qua quan sát, ông cho rằng họ thường thiên về trường phái trừu tượng và rất phóng khoáng trong cách thể hiện.
Cùng với đó, thế hệ trước không ít người vẫn miệt mài với hiện thực, tâm đắc với tất cả những điều diễn ra xung quanh… Góp thêm ý kiến cho việc nâng cao chất lượng sáng tác, họa sĩ này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự khác biệt cũng như thực tế sáng tác: “Dù là trường phái nào thì vẫn mong mỗi người tìm ra nét riêng của mình trong quá trình sáng tạo để không bị người xem nghĩ rằng tranh của ai đó.
Cuộc sống có nhiều lĩnh vực cần quan tâm và nghệ thuật tạo hình giúp mọi người nhìn thấy vấn đề thông qua những tạo hình chi tiết. Để làm tốt nhiệm vụ đó, họa sĩ phải chọn một nội dung cụ thể và tích cực thâm nhập thực tế”.
Đề cập đến việc đổi mới hình thức thể hiện, trong đó mấu chốt là đổi mới ngôn ngữ hội họa, nâng cao tính điển hình hóa hình tượng nghệ thuật, nhà phê bình mỹ thuật Đặng Thanh Vân nhắc tới nhóm tượng “Phòng cháy chữa cháy” trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và bức tượng “Anh lính cứu hỏa” đặt trên vỉa hè ở New York.
Bà Vân dẫn nguồn từ trang cá nhân của Facebook Chung Lê đang làm việc tại Mỹ và so sánh: Bức tượng “Anh lính cứu hỏa” miêu tả một anh lính mặc bộ quần áo phòng cháy cúi người trên mặt đất, tay cầm chiếc mũ của lính cứu hỏa, nét mặt buồn, và bên anh có một tấm biển nhỏ, đề bài thơ: “Lời cầu nguyện của anh lính cứu hỏa”, trong đó có những câu chạm đến trái tim bao người: “Lạy chúa, khi con được gọi đi làm nhiệm vụ,/ Bất cứ khi nào ngọn lửa bùng lên;/ Hãy cho con sức mạnh để cứu mạng người nào đó,/ Bất kể tuổi trẻ hay già./ Giúp con ôm được một đứa trẻ/ Trước khi quá muộn/ Hoặc cứu một người lớn tuổi hơn/ Khỏi số phận kinh hoàng./ Làm cho con tỉnh táo và nghe/ Được âm thanh nhỏ nhất, (...) Làm cho con tỉnh táo và nghe/ Được âm thanh nhỏ nhất,/ Để nhanh chóng dập tắt hoàn toàn đám cháy/(...) Và nếu, theo số phận, con phải chết/ Xin chúa hãy phù hộ cho vợ con con”.
“Bức tượng cô đọng, nhân văn cùng bài thơ xúc động và lay động lòng người. Đến bao giờ tượng đài của nước ta có những tác phẩm như vậy?. Thật là tuyệt vời cả tượng lẫn thơ. Biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi vẫn muốn làm một sự so sánh để có thể cùng trông người lại ngẫm đến ta.
Còn nhóm tượng “Phòng cháy chữa cháy” đặt ở mặt phố Trần Nhân Tông - không gian đặt tượng đài lý tưởng với mọi nhà điêu khắc song đã làm tốn bao lời bàn của anh em nghệ sĩ trong giới và báo chí.
Nhóm tượng này được sáng tác theo phong cách tả thực của điêu khắc hiện thực Liên Xô những năm 60 của thế kỷ trước có quá nhiều nhân vật, quan hệ rời rạc, không thống nhất. Là hai nhóm tượng, lẽ ra đặt ở hai nơi, mà ghép cạnh nhau một cách khiên cưỡng”, bà Vân than phiền.
“Đề nghị Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thay đổi chính sách đầu tư: Không đầu tư dàn trải, 3 - 4 triệu đồng/tác phẩm/hội viên mà tập trung đầu tư cho các tác giả có phác thảo đẹp, nội dung tốt. Mỗi tác giả cần được đầu tư từ 10 đến 20 triệu đồng thì mới hy vọng có tác phẩm đỉnh cao. Nghệ thuật bản chất khi sáng tác không phải vì tiền.
Họa sĩ vẽ, nặn là để thể hiện rung cảm của cá nhân, thể hiện cái tôi của nghệ sĩ; Nhưng không có tiền thì không mua được họa phẩm, toan, vàng, bạc; tranh sơn mài càng phải dùng họa phẩm đắt tiền nên không thể có những tác phẩm đỉnh cao: Có nội dung tốt và kỹ thuật hội họa giỏi” - Nhà phê bình mỹ thuật Đặng Thanh Vân.