Mỹ: Phản đối trang bị súng cho giáo viên

GD&TĐ - Hôm 12/2, trước thềm lễ kỷ niệm tròn một năm vụ xả súng ngày 14/2/2018 ở Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas, thành phố Parkland (bang Florida), khiến 17 người thiệt mạng, hai tổ chức công đoàn GD lớn nhất nước Mỹ tiếp tục lên tiếng phản đối kế hoạch của các nhà lập pháp Florida về trang bị súng cho giáo viên. Họ cho rằng sự hiện diện của súng ống trong trường học chỉ khiến nguy cơ mất an ninh tăng cao.  

Cảnh sát đặc nhiệm đưa từng tốp HS và giáo viên ra ngoài sau vụ nổ súng
Cảnh sát đặc nhiệm đưa từng tốp HS và giáo viên ra ngoài sau vụ nổ súng

Hiểm họa tiềm ẩn

Cụ thể Liên đoàn Giáo viên Hoa Kỳ (AFT) và Hiệp hội GD quốc gia (NEA) đã kết hợp với tổ chức Everytown for Gun Safety (sử dụng súng an toàn ở mọi nơi - EfGS) để phản đối các đề xuất tại Florida và các nơi khác về kế hoạch vũ trang cho giáo viên, cũng như tăng hiện diện của nhân viên an ninh, nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn các vụ xả súng trong trường học.

Sau vụ thảm sát ở Stoneman Douglas, cơ quan lập pháp Florida tuyên bố sẽ xem xét đề nghị của Ủy ban nhà nước điều tra vụ nổ súng, để cho phép các khu học chánh bắt buộc các giáo viên tình nguyện mang súng cần trải qua kiểm tra lý lịch và đào tạo kỹ năng sử dụng vũ khí. 

Ủy ban kết luận rằng chỉ dựa vào thực thi pháp luật là không đủ, vì các vụ xả súng hàng loạt thường kết thúc sau một đến ba phút, không đủ thời gian để các nhân viên cảnh sát có thể đến kịp và can thiệp.

Nhưng các công đoàn GD và EfGS nói rằng, họ phản đối các biện pháp trên vì nhiều lý do, bao gồm cả khả năng HS ăn cắp súng của giáo viên hoặc cảnh sát có thể nhầm lẫn một giáo viên được vũ trang với kẻ mang súng xâm nhập trường học.

Các công đoàn cũng như EfGS còn dẫn ra một nghiên cứu về các sĩ quan cảnh sát thành phố New York, cho thấy những người được đào tạo chuyên nghiệp chỉ bắn trúng mục tiêu khoảng một lần trên năm phát bắn trong một vụ đụng độ, nói gì đến những tay súng không chuyên. Không ai biết trước những viên đạn lạc đó sẽ gây nguy hiểm như thế nào cho HS và các nhân viên trường học khác.

Nghi phạm Nicolas de Jesus Cruz bị cảnh sát khống chế sau vụ xả súng ở Stoneman Douglas cách đây một năm
  • Nghi phạm Nicolas de Jesus Cruz bị cảnh sát khống chế sau vụ xả súng ở Stoneman Douglas cách đây một năm

Không giúp trường học an toàn hơn

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Becky Pringle, Phó Chủ tịch của NEA, nói việc trang bị súng cho giáo viên không giúp trường học an toàn hơn. Thay vào đó, các nhà lập pháp và các nhà trường nên tập trung vào việc ban hành luật ngăn chặn trẻ em và những người mắc bệnh tâm thần sở hữu súng.

Những đối tượng có nguy cơ cao cần được theo dõi bởi người thân cho đến các cơ quan thực thi pháp luật. Trong một số trường hợp, nhà trường hay các giáo viên có thể kiến nghị một thẩm phán ra lệnh cho những người có nguy cơ cao phải giao nộp súng của họ.

Cũng theo bà Pringle, AFT, NEA và EfGS đã kêu gọi kiểm tra lý lịch phổ quát và cứng rắn hơn cho tất cả các vụ mua súng, đồng thời cấm súng trường công suất cao, kiểu súng AR-15 vốn chỉ dành cho quân đội đã được hung thủ sử dụng trong vụ xả súng cách đây một năm ở Stoneman Douglas hay các vụ xả súng hàng loạt khác.

Florida đã thông qua luật kiểm soát chặt chẽ sau vụ xả súng Stoneman Douglas và tăng độ tuổi tối thiểu để mua súng trường từ 18 đến 21. Nghi phạm Nikolas Cruz đã mua khẩu AR-15 một cách hợp pháp ngay sau khi hắn đủ 18 tuổi, mặc dù có lịch sử lâu dài về các vấn đề tinh thần và cảm xúc. Mười hai tiểu bang khác cũng có luật tương tự (được gọi là “luật cờ đỏ”).

Giáo viên cũng phản ứng

Cảnh sát trưởng hạt Pinellas Bob Gualtieri, Chủ tịch Ủy ban nhà nước phụ trách điều tra vụ nổ súng Stoneman Douglas, cho biết ông đã phản đối việc vũ trang cho các giáo viên, cho đến khi ông xem video an ninh về vụ thảm sát. Ông nói rằng, nếu khi ấy trong trường có giáo viên được vũ trang, thủ phạm có thể đã bị bắn hạ trước khi cảnh sát đến, qua đó số người bị thiệt mạng cũng sẽ ít hơn.

Sĩ quan Gualtieri cũng cho rằng, các công đoàn GD và những người khác phản đối vũ trang cho giáo viên đang tham gia vào các vụ tranh cãi thiếu thực tế và không nhìn thẳng vào sự thật từ các vụ xả súng.

Theo “luật cờ đỏ” được thông qua sau vụ xả súng Stoneman Douglas, nhà chức trách sẽ cho phép một số nhân viên trường học mang súng vào trường, trước khi được đào tạo các kỹ năng cơ bản và kiểm tra kỹ lý lịch cá nhân cũng như hồ sơ y tế. Đó là hiệu trưởng, quản trị viên trường học, giám thị và thủ thư.

Giáo viên đứng lớp hoặc làm việc trực tiếp với HS không được mang theo vũ khí. Hiện đã có 13 trong số 67 quận của Florida triển khai luật này; đây đều là các vùng nông thôn của tiểu bang. Thế nhưng, hầu như chỉ có các quan chức địa phương, các nhà lập pháp và quan chức GD là ủng hộ; còn các giáo viên đều bày tỏ sự phản đối, đồng thời tán thành quan điểm của các tổ chức công đoàn.

Cô Sarah Lerner, giáo viên của Stoneman Douglas, cho biết hôm 12/2 rằng ngay cả trong trường hợp cô hoặc một giáo viên khác có súng trong người khi xảy ra vụ thảm sát, không chắc họ có kịp sử dụng hay là bị kẻ nổ súng bắt phải lấy súng ra và đưa cho chúng. Điều này ngay cả cảnh sát cũng từng gặp phải và buộc thực hiện theo để bảo vệ con tin hay đồng nghiệp bị khống chế.

Theo cô Lerner, những rủi ro là quá lớn. Chưa kể nếu khẩu súng rơi vào tay kẻ xấu; hoặc nhân viên trường học được vũ trang có thể bắn nhầm một HS chỉ nghịch ngợm quá đà nhưng bị nghi là có mang theo vũ khí và có hành vi nguy hiểm; nếu súng nổ vì bất cứ lý do gì trong trường học (kể cả cướp cò) mà không phải nhằm ngăn chặn một vụ xả súng thật sự…

“Đó có lẽ là giải pháp lố bịch nhất mà tôi từng nghe”, cô Lerner nói.

Theo Mysuncoast

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.