Nhìn chung, họ là người chủ đạo trong việc giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc gia đình, trợ thủ đắc lực cho chồng, bởi vì cả ở phương Tây lẫn phương Đông người ta vẫn quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Trong thực tế, số phận của đàn ông, đàn bà đều đa dạng, nhưng nhiều khi quan sát nhận dạng một phụ nữ có thể thấy được khá nhiều điều về bản thân họ, về chồng con, gia đình họ. Không phải ngẫu nhiên, mà người xưa tổng kết rằng:
“Hữu nữ sinh lại diệt tế viên,
Ngũ quan lục phủ tế tu khan,
Nhân trường phát hắc liên hoa kiểm
Định giá triều trung phú quý hiền”
(Người con gái sinh ra mặt tròn xinh xắn,
Ngũ quan lục phủ thăng bằng dễ ưa
Mắt dài, tóc đen, đôi má ửng hồng
Sẽ lấy chồng hiền và phú quý).
Về nhân dạng, các nhà nghiên cứu gọi những phụ nữ đó thuộc dạng “vượng phu, ích tử” (giúp cho gia đình sung túc, công việc thuận buồm xuôi gió và con cái có phúc lớn).
Được gọi là phái đẹp nhưng có những phụ nữ không may mắn, vất vả, và cũng có những người vừa “vượng phu ích tử” mà bản thân lại rất hạnh phúc, sung sướng. Vậy ai là người hạnh phúc, sung sướng? Làm thế nào để nhận biết, trong tiếp xúc, gặp gỡ, hoặc tự người phụ nữ đó biết mình, để có một định hướng cho mình?...
Những nét không hay của nhân dạng phụ nữ sẽ không được đề cập ở đây vì khuôn khổ chuyên mục kỳ này, còn những nét đẹp sẽ được nêu từ tổng kết của người xưa. Những ai được càng nhiều nét trong 9 điểm sau đây, sẽ được coi là trúng cách, rất dễ được chọn làm “ý trung nhân” của những phu quân tài giỏi.
- Đầu tròn, trán bằng phẳng
- Xương nhỏ nhắn, da thanh sạch
- Môi hồng, răng trắng
- Lông mày dài, mắt thanh tú
- Ngón tay thon, lòng bàn tay dày
- Tiếng nhỏ nhẹ, âm thanh như suối chảy
- Cười tươi, không lẳng lơ, lộ sỉ (không hở răng, hở lợi)
- Bước đi ngay ngắn, đoan trang, không vội vàng, nằm ngồi nhàn nhã
- Thần khí thanh hòa, da dẻ thơm tho, mịn màng.
Thời Xuân Thu, có Quản Trọng (725 TCN – 645 TCN) nổi tiếng là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất của nước Tề, đã giúp Tề Hoàn Công trở thành bá chủ đầu tiên đối với các nước chư hầu và ông còn là người có nhiều đóng góp cho lý luận về tổ chức, quản trị nhân sự.
Ông được Bão Thúc Nha là bạn tốt tiến cử nên Tề Hoàn Công phong ông làm Tể tướng và gọi danh xưng tôn kính “Trọng phụ”. Ông nổi tiếng với chiến lược không đánh mà thắng mà ngày nay gọi là dùng “Sức mạnh mềm” để tấn công bằng mưu trí, thuyết phục bằng sự hấp dẫn của văn hóa; trừng phạt răn đe bằng kinh tế, cắt viện trợ tiền bạc để kẻ địch khuất phục.
Quản Trọng đã cải thiện sức mạnh nước Tề thông qua việc tiến hành rất nhiều cải cách tiến bộ. Về mặt chính trị, ông tập trung hóa quyền lực và phân chia nước thành nhiều vùng, mỗi vùng tùy lợi thế, tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Thay vì dựa vào giai cấp quý tộc (các lãnh chúa, tướng lĩnh được phân phong) để thu thuế như truyền thống trước kia, ông áp dụng tiền thuế trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã.
Ông cũng phát triển một biện pháp lựa chọn người tài mới và có hiệu quả hơn, đó là nước Tề chuyển từ chế độ quan liêu quý tộc sang chế độ quan liêu chuyên nghiệp. Quản Trọng cũng đề xuất nhiều cải cách kinh tế hiệu quả, ví dụ đưa ra biểu thuế thống nhất toàn quốc.
Ông cũng thực hiện chính sách nhà nước quản lý sản xuất muối và sắt; nên đời sau cho rằng, Quản Trọng là người sớm đưa ra việc quản lý độc quyền nhà nước về hai mặt hàng quan trọng trong đời sống kinh tế thời kỳ này.
Khi ông làm Tể tướng, nước Tề trở nên cường thịnh nhất các nước và vua Tề Hoàn Công được tôn làm người đứng đầu Ngũ bá, không chỉ được các chư hầu kính trọng, mà vua nhà Chu cũng vì nể.
Trong rất nhiều câu chuyện kỳ thú về ông, có câu chuyện liên quan đến phụ nữ. Đó là chuyện về nàng Tĩnh Nương, người vợ thông minh, tài ba, trợ lý giỏi giang của ông. Một lần, Quản Trọng thống lĩnh quân đội qua núi Dao Sơn tình cờ gặp một người chăn trâu đội nón rách, áo cộc, đi chân đất đang gõ sừng trâu hát một bài hát lạ liền sai lính đem cơm rượu biếu.
Người chăn trâu đó ăn uống xong liền nhờ binh lính đọc cho thống soái Quản Trọng một câu “Mênh mông nước trắng”. Quân kỵ phi nhanh theo kịp xe Quản Trọng thưa lại câu nói của người chăn trâu, Quản Trọng nghĩ mãi không hiểu, liền hỏi người vợ hiền của mình.
Nàng Tĩnh Nương có rất nhiều điểm tốt kể trên, trong đó phải kể đến đặc điểm “Đầu tròn, trán cao, bằng phẳng, lông mày dài, mắt thanh tú, xương nhỏ nhắn, da thanh sạch...”. Với giọng nói êm ái, nàng cười trêu chồng mình: “Tướng công đọc vạn cuốn sách, giữ chức tể tướng mà chưa đọc đến bài thơ cổ “Nước trong” ư? Bài thơ đó câu: “Mênh mông nước trắng, cá lội giữa dòng; người đến triệu ra, ta cũng bằng lòng”.
Ý người chăn trâu là muốn làm quan đó. Quản Trọng mừng lắm liền dừng xe cho mời đến. Người chăn trâu kỳ dị đó chính là Ninh Thích. Trong đêm đó, sau khi gặp Tề Hoàn Công, nhờ tài tự tiến cử, cộng với thư giới thiệu của Quản Trọng nên Ninh Thích được vua Tề thắp nến phong ngay làm quan đại phu.
Còn nàng Tĩnh Nương tiếp tục giúp chồng mình, vừa làm tròn bổn phận vợ hiền, vừa làm “thư ký” đặc biệt, vừa là bạn văn chương của chồng. Nếu viết về Quản Trọng mà quên nàng Tĩnh Nương thì thiếu mất “một nửa”. Tài ba nhiều mặt, những bàn luận về các lĩnh vực quốc kế dân sinh của Quản Trọng luôn được người đời tán thưởng. Riêng đối với người lãnh đạo quốc gia, Quản Trọng cũng để lại những lời răn thâm sâu.
Hậu thế hay trích dẫn lời Quản Trọng rằng: Đối với quân vương có 3 điều nguy hại nhất phải tránh: 1) Một là không biết phát hiện người tài; 2) Hai là phát hiện ra thì không dám dùng; 3) Ba là khi dùng vẫn để lẫn với tiểu nhân. Ông là người đầu tiên đưa ra quan điểm: Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm hãy trồng người.