Mỹ làm gì khi muốn minh bạch vũ khí hạt nhân toàn cầu?

GD&TĐ -Mỹ tiếp tục thúc đẩy tính minh bạch về vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới nhưng chính quyền Biden chưa sẵn sàng làm như vậy ở trong nước.

Bom hạt nhân chiến thuật Mỹ.
Bom hạt nhân chiến thuật Mỹ.

Bí ẩn số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ

Hôm 31/7, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết, Mỹ luôn ủng hộ sự minh bạch về vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, nhưng lại hạn chế ở trong nước vì muốn giữ bí mật về quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình.

Mâu thuẫn trở nên rõ ràng hơn khi chính quyền Tổng thống Biden đang lên kế hoạch ủng hộ sự minh bạch về hạt nhân và chỉ trích một số quốc gia khác không minh bạch về kho vũ khí hạt nhân của họ trong phiên họp đầu tiên của ủy ban chuẩn bị cho Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân năm 2026 (NPT), sẽ diễn ra tại Geneva tuần này.

"Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ đang bận rộn vận động minh bạch hạt nhân ở nước ngoài, Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng đã từ chối hai yêu cầu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ về việc giải mật kho vũ khí hạt nhân và số lượng tháo dỡ", FAS cho biết trong một thông cáo báo chí.

Năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden quyết định ngừng công bố dữ liệu về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, điều này mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố của các quan chức nước này đã chia sẻ với những người tham gia Hội nghị Đánh giá NPT vào tháng 8 năm 2022 khi chỉ cắt giảm phần trăm kho vũ khí kể từ năm 1967 thay vì công bố số liệu thực tế.

"Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng/Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia không tin rằng việc giải mật quy mô kho dự trữ hạt nhân của Mỹ, số lượng vũ khí đã tháo dỡ hoặc số lượng vũ khí đang chờ tháo dỡ là điều có lợi nhất cho Mỹ", Văn phòng Phân loại của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết trong phản hồi với FAS.

Lộ diện căn cứ hạt nhân tại Mỹ

Theo FAS, các địa điểm đặt vũ khí hạt nhân ở Mỹ được giữ bí mật cao, không được tiết lộ công khai chính thức. Tuy nhiên, có một số địa điểm được biết là nơi vũ khí hạt nhân của Mỹ được cho là hiện đang được triển khai.

Ví dụ, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Không quân Mỹ (USAF), có khả năng mang vũ khí hạt nhân, được cho là có căn cứ tại Căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri.

Ngoài ra, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II D5 với đầu đạn hạt nhân W76 và W88 được triển khai trên các tàu ngầm lớp Ohio, bề ngoài là đóng tại Căn cứ Hải quân Kitsap của bang Washington và Căn cứ Tàu ngầm Hải quân Kings Bay ở Georgia.

Các địa điểm khác được báo cáo bao gồm:

- Căn cứ Malstrom USAF (Montana)

- Căn cứ Nellis USAF (Nevada)

- Căn cứ Warren USAF (Colorado và Wyoming)

- Căn cứ Minot USAF (Bắc Dakota)

- Nhà máy Pantex (Texas)

- Căn cứ Không quân Hoa Kỳ Barksdale (Louisiana)

Cũng theo FAS, khoảng 1.700 đầu đạn hiện đang được triển khai trên tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược ở Mỹ, trong khi 2.000 đầu đạn còn lại "được cất giữ như một hàng rào chống lại những bất ngờ về kỹ thuật hoặc địa chính trị".

Kho hạt nhân Mỹ ở châu Âu

Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu và xa hơn nữa, như một phần trong chiến lược răn đe của NATO. Số lượng và vị trí chính xác của số vũ khí này cũng được giữ bí mật nhưng người ta tin rằng có khoảng 100 quả bom B61 được cất giữ tại 5 quốc gia thành viên NATO gồm Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ví dụ, ở Đức, Căn cứ Không quân Buchel được cho là chứa khoảng 20 quả bom B61, trong khi Hà Lan được cho là cất giữ 10-20 quả bom B61 tại Căn cứ Không quân Volkel.

Lực lượng không quân Ý được giao khoảng 40 quả bom như vậy, được triển khai tại Căn cứ không quân Aviano và Ghedi. Tại Bỉ, có tổng cộng 20 quả bom B61 được đồn trú tại Căn cứ Không quân Kleine Brogel.

Những vũ khí này là một phần của cái gọi là thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO, trong đó các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân (chẳng hạn như Đức) tham gia vào kế hoạch và đào tạo hạt nhân với Mỹ.

Vũ khí hạt nhân Mỹ đến sát cạnh Nga?

Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu, các báo cáo đã xuất hiện về khả năng đưa Ba Lan vào chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO. Vào tháng 10/2022, Warsaw cho biết họ đã yêu cầu Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ mình.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào thời điểm đó đã lập luận rằng có "cơ hội tiềm năng" để Ba Lan tham gia "chia sẻ hạt nhân", trong đó quy định các phi công từ nước sở tại được huấn luyện để thực hiện các sứ mệnh mang bom hạt nhân của Mỹ được cất giữ trên lãnh thổ của họ.

"Chúng tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Mỹ về việc liệu Mỹ có đang xem xét khả năng như vậy hay không. Vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ", ông Andrzej Duda nói với truyền thông Ba Lan.

Clip tiêm kích F-35 thử nghiệm bom hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, Nhà Trắng sau đó khẳng định rằng họ chưa nhận được yêu cầu như vậy. "Chúng tôi không biết vấn đề này đang được nêu ra nhưng sẽ bàn với chính phủ Ba Lan", một quan chức Nhà Trắng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.