Mỹ kỷ luật khắt khe với học sinh tiểu học

GD&TĐ - Tại Mỹ, nhiều trẻ em tiểu học gặp khó khăn khi bị đình chỉ do có hành vi sai trái.

Học sinh gặp khó khăn tại Trường Tiểu học Johnsburg sẽ được thảo luận với nhân viên xã hội.
Học sinh gặp khó khăn tại Trường Tiểu học Johnsburg sẽ được thảo luận với nhân viên xã hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đình chỉ có thể gây tổn hại và làm mất đi niềm tin của trẻ đối với giáo viên cũng như nhà trường.

Bị đình chỉ dù mắc lỗi nhỏ

Một nhóm nam sinh lớp Năm bước vào văn phòng của Trường Tiểu học Johnsburg và ngồi vào bàn, chân đung đưa trên ghế. “Hôm qua thầy được biết rằng, có một sự cố xảy ra trong buổi bóng đá”, Hiệu trưởng Bridget Belcastro nói với cả nhóm. Các học sinh cố gắng giải thích rằng, một cậu bé đã đẩy bạn.

Sau đó, hai cậu bé khác nhảy lên để đỡ quả bóng. Một học sinh giải thích: “Em bị vấp. Nếu em nhảy vào bạn ấy thì là vì em không cố ý. Sau đó, em đứng dậy và quay lại thì thấy hai bạn này đang lao vào nhau”. Hiệu trưởng Belcastro lắng nghe kỹ lưỡng. Song, công việc không mấy dễ chịu là hiểu tình huống và quyết định đưa ra hình phạt.

Tại các trường tiểu học trên khắp nước Mỹ, một sự cố phổ biến trong trận bóng đá ở sân chơi cũng có thể khiến học sinh bị đình chỉ. Một phân tích của Hechinger về dữ liệu kỷ luật trường học từ 20 tiểu bang cho thấy, việc sử dụng các biện pháp đình chỉ là khá phổ biến đối với học sinh ở mọi lứa tuổi mắc lỗi sai mang tính chủ quan và không rõ ràng, chẳng hạn như hành vi gây mất trật tự, thách thức và không phục tùng.

Từ năm 2017 - 2022, các báo cáo của tiểu bang đã trích dẫn những hạng mục này làm lý do cho việc đình chỉ hoặc đuổi học hơn 2,8 triệu lần.

Trong nhiều trường hợp, học sinh nhỏ tuổi bị đuổi khỏi lớp vì hành vi phổ biến ở độ tuổi của chúng. Ở Montana, học sinh tiểu học bị đình chỉ gần 4.000 lần vì hành vi gây mất trật tự, còn với New Mexico, con số này là gần 2.700.

Học sinh tiểu học thường bị trừng phạt vì những hành vi mà các chuyên gia cho là điển hình về mặt phát triển của những đứa trẻ vẫn đang học cách cư xử và thể hiện bản thân một cách phù hợp ở trường. Ngay cả những hành vi nghiêm trọng, như đá hoặc đấm bạn bè, cũng có thể là do trẻ vẫn đang tìm cách điều chỉnh cảm xúc cá nhân.

Trong nhiều trường hợp khác, hành vi của trẻ có vẻ không nghiêm trọng. Ở Washington, một học sinh mẫu giáo đã bị đình chỉ học hai ngày vì kéo quần xuống trong giờ ra chơi. Một học sinh lớp Hai ở Rhode Island đã bị đình chỉ học khi chạy ra khỏi trường, và tại Maryland, một học sinh lớp Ba đã bị đình chỉ vì la hét khi không được phép ăn bánh quy, làm gián đoạn lớp học.

Học sinh tại Trường Tiểu học Johnsburg hiếm khi bị đình chỉ vì mắc lỗi.

Học sinh tại Trường Tiểu học Johnsburg hiếm khi bị đình chỉ vì mắc lỗi.

Biện pháp ảnh hưởng tới tâm lý trẻ

Tại Trường Tiểu học Johnsburg, nơi giảng dạy khoảng 350 học sinh từ lớp Ba đến lớp Năm ở vùng ngoại ô phía Bắc Chicago, các nhà quản lý đang cố gắng hạn chế việc sử dụng biện pháp đình chỉ. Sau sự cố khi tham gia đá bóng, nhà trường tổ chức các hội nghị, nhằm nỗ lực ngăn chặn và giải quyết hành vi sai trái.

Giải pháp được đưa ra là, các cậu bé không bị đình chỉ, nhưng không được phép chơi bóng vào giờ ra chơi nữa. Quyết định không đình chỉ học tập của Hiệu trưởng Belcastro dựa trên nghiên cứu cho thấy, việc đình chỉ học sinh khiến các em gặp khó khăn hơn để thành công trong học tập.

Iheoma Iruka - Giáo sư chính sách công tại Đại học Bắc Carolina-Chapel Hill cho biết, việc đình chỉ có thể gây tổn hại, đặc biệt khi áp dụng với học sinh nhỏ tuổi.

Những ấn tượng ban đầu đó có thể ở lại với học sinh và gây ra tác hại lâu dài, đặc biệt đối với những trẻ coi trường học là phần quan trọng trong cuộc sống của các em. “Theo thời gian, điều đó làm xói mòn cảm giác an toàn của trẻ em. Đồng thời, làm xói mòn mối quan hệ của trẻ với giáo viên”, chuyên gia này cho biết.

Một phần vì những lo ngại như vậy, những người ủng hộ và hoạch định chính sách trên cả nước Mỹ thường tập trung vào các lớp lớn khi thúc đẩy cải cách kỷ luật. Ít nhất 17 tiểu bang tại Mỹ đã thông qua luật hạn chế áp dụng biện pháp đình chỉ và đuổi học đối với trẻ nhỏ, điển hình là các em từ lớp mẫu giáo đến lớp Ba hoặc lớp Năm.

Tại Illinois, nơi có Trường Tiểu học Johnsburg, các trường học được phép đình chỉ học sinh nhỏ tuổi. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã thông qua một đạo luật vào năm 2015 khuyến khích chỉ nên đình chỉ học sinh như giải pháp cuối cùng.

Các chuyên gia về phát triển trẻ em cho rằng, lý tưởng nhất là chỉ nên áp dụng biện pháp đình chỉ trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, đặc biệt là ở trường tiểu học.

Hành vi sai trái ở mọi lứa tuổi thường là biểu hiện của vấn đề sâu xa hơn. Song, trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc xác định những vấn đề đó và truyền đạt chúng một cách hiệu quả.

Maurice Elias - Giáo sư tâm lý học nghiên cứu về học tập cảm xúc xã hội tại Đại học Rutgers, cho biết: “Chúng ta có thể buộc những học sinh lớn tuổi phải chịu trách nhiệm về việc biết quy tắc ứng xử trong trường. Chúng ta chắc chắn không thể mong đợi trẻ nhỏ biết tất cả những điều đó và lường trước được hậu quả của mọi hành động”.

Áp phích và bảng hiệu trong lớp học nhấn mạnh cách học sinh nên cư xử tại Trường Tiểu học Johnsburg.

Áp phích và bảng hiệu trong lớp học nhấn mạnh cách học sinh nên cư xử tại Trường Tiểu học Johnsburg.

Giúp học sinh quản lý cảm xúc

Bà Sara Rimm-Kaufman - Giáo sư giáo dục tại Đại học Virginia cho rằng, học sinh cần được dạy kỹ lưỡng về cách quản lý cảm xúc của mình. Bà nói: “Cần giúp học sinh hiểu những gì được phép làm ở nhà có thể không được thực hiện ở trường, hoặc khiến chúng cảm thấy được đánh giá cao, tôn trọng, thấu hiểu. Đó là một vấn đề thực sự quan trọng và điều đó khiến học sinh hứng thú”.

Trong bối cảnh này, các giáo viên Trường Tiểu học Johnsburg đang cố gắng thực hiện điều đó. Nhà trường đã áp dụng một chương trình mới trong năm nay có tên là “Character Strong” nhằm giúp học sinh đối phó, điều tiết cảm xúc, quản lý bản thân và các mối quan hệ. Một vài tuần sau khi bước vào năm học, giáo viên điền vào bảng sàng lọc để xác định những học sinh đang gặp khó khăn trong các khía cạnh đó.

Vào một buổi sáng trong tuần, bốn học sinh lớp Ba rời lớp để gặp nhân viên xã hội Dawn Mendralla. Bà Mendralla nói với các học sinh: “Quy định có nghĩa là chúng ta đang kiểm soát bản thân, hành vi và cảm xúc của mình. Đôi khi, các em có gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi của mình trong lớp không, muốn nói chuyện với bạn ngồi cạnh, hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ, hay không chú ý?”.

Mỗi tuần một lần, những học sinh được xác định đang gặp khó khăn sẽ tham dự buổi thảo luận nhóm với bà Mendralla. Qua đó, giúp cải thiện những kỹ năng ở học sinh. Những trẻ em cần được giúp đỡ thêm cũng có thể liên hệ riêng với bà Mendralla hằng ngày.

Giống như các trường học khác trên cả nước, Trường Tiểu học Johnsburg đang phải đối mặt với tác động diễn ra của đại dịch đối với hành vi ở trẻ em. Hiệu trưởng Belcastro cho biết: “Có sự gia tăng về sự bộc phát, thất vọng và trẻ không biết cách quản lý cảm xúc một cách hiệu quả. Trẻ cũng có những thay đổi về tương tác xã hội. Bởi, các em không ở cạnh những đứa trẻ khác trong thời gian quá lâu. Do đó, hiện tại, trẻ đã quên hoặc chưa bao giờ học cách kết bạn”.

Trong năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Johnsburg có 687 lần cảnh cáo hoặc biên bản kỷ luật liên quan đến hành vi sai trái của học sinh. Con số này tăng từ 222 lượt cảnh cáo vào năm học 2021 - 2022.

Ngay cả khi các thách thức về hành vi ở trẻ ngày càng gia tăng, nhà trường vẫn cố gắng hạn chế việc đình chỉ học sinh. Tính đến tháng 2 năm nay, chỉ có ba học sinh bị đình chỉ tại trường.

Tuy nhiên, ở những tổ chức giáo dục khác, hành vi sai trái ở trẻ gia tăng sau đại dịch đã khiến một số bang phải lùi lại các chính sách hạn chế kỷ luật đuổi học. Thay vào đó, các trường học dễ dàng đuổi học sinh ra khỏi lớp hơn.

Tại Nevada năm ngoái, các nhà lập pháp đã hạ thấp độ tuổi có thể bị đình chỉ hoặc đuổi học từ 11 xuống 6. Đồng thời, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các trường học đình chỉ hoặc đuổi học trẻ.

Vào năm 2023, các nhà lập pháp Kentucky đã trao cho hiệu trưởng khả năng đuổi học vĩnh viễn nếu họ tin rằng, học sinh đó sẽ “làm gián đoạn thường xuyên quá trình giáo dục của các học sinh khác”. Trẻ cũng sẽ bị đuổi học vĩnh viễn nếu từng bị mời ra khỏi lớp ba lần vì gây rối.

Một số khu học chánh cho biết đã đình chỉ học tập đối với trẻ có hành vi gây rối vì đánh bạn bè hoặc ném đồ vào giáo viên. Các chuyên gia cho biết, trong những trường hợp như vậy, việc đình chỉ có thể hợp lý.

Đồng thời, biện pháp này cho phép các nhà giáo dục có thời gian để phát triển phản ứng lâu dài hơn đối với hành vi sai trái. Tuy nhiên, nhà trường không nên kỳ vọng rằng, việc cho học sinh nghỉ học sẽ cải thiện hành vi của các em một cách kỳ diệu.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Johnsburg, thầy Belcastro cho rằng, việc đình chỉ học sinh không phải là một cách tiếp cận hiệu quả. Hình phạt không làm thay đổi hành vi. Không có đứa trẻ nào ở độ tuổi này cân nhắc những hậu quả tiềm ẩn có thể xảy ra trước khi chúng thực hiện một hành động. Vì vậy, biện pháp đó thực sự không có mục đích gì cả và không hữu ích. Song, thay vào đó, việc ngăn chặn hành vi sai ở trẻ mới là điều chúng ta cần làm.

Theo Hechinger

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.