Đây là lần đầu tiên loại máy bay "chim ăn thịt" F-22 được sử dụng trong những cuộc tập trận định kỳ hai năm một lần mang tên "Cope Taufan" giữa Mỹ và Malaysia. Báo trên nhận định động thái này là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc.
Malaysia còn là một đối tác kín đáo đang tìm kiếm ủng hộ của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc, và trong các tiếp xúc riêng đã bày tỏ lo ngại về sự bắt nạt của Bắc Kinh ở Biển Đông trong tranh chấp hàng hải với hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Theo đánh giá của tờ Washington Times, Malaysia được xem như một quốc gia trọng tâm trong những nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm đẩy mạnh những mối quan hệ cũng như các liên minh giữa Mỹ với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo Washington Times, căn cứ vào các phản ứng khá ồn ào của truyền thông nhà nước Trung Quốc, thì thông điệp từ việc triển khai loại chiến đấu cơ "chim ăn thịt" F-22 tới Malaysia đã được phía Bắc Kinh đón nhận một cách đầy đủ.
Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc xem việc Mỹ triển khai máy bay chiến đấu F-22 đến Malaysia là cơ hội để tìm hiểu khả năng tác chiến của máy bay Su-30 do Nga sản xuất được Malaysia mua, vốn tương đương với Su-30 của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng tin tưởng rằng, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Malaysia sẽ cho phép lực lượng không quân Mỹ triển khai những chiếc máy bay chiến đấu F-22 Raptor, tới những địa điểm chiến lược gần các bờ biển của Trung Quốc, tờ báo viết.
Mỹ hiện đặt căn cứ tạm thời của loại máy bay chiến đấu F-22 ở khu vực Đông Bắc Á nhưng việc triển khai ở vùng Đông Nam Á là động thái hoàn toàn mới. Trước đây, F-22 chỉ cất cánh từ căn cứ ở Hawaii, Mỹ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Guam.
Báo chí Trung Quốc còn cho rằng, những chiếc F-22 của Mỹ ở Malaysia, hoạt động từ căn cứ không quân ở Butterworth, đã giúp cải thiện sự sẵn sàng chiến đấu của Mỹ cho bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào nhằm vào Trung Quốc trong tương lai.