Mỹ đặt căn cứ ở Phần Lan để cản trở Tuyến đường biển Bắc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tuyến đường biển Bắc của Nga tận dụng lợi thế băng tan gần Bắc Cực có thể giảm quá trình vận chuyển hàng hải qua kênh đào Suez.

Tuyến đường biển Bắc do Nga phát triển và tuyến hàng hải thông dụng hiện nay.
Tuyến đường biển Bắc do Nga phát triển và tuyến hàng hải thông dụng hiện nay.

Chuyên gia quân sự, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Quân đội Nga Yuri Knutov trong một bài phỏng vấn với Sputnik mới đây đã nói rằng, việc Mỹ dự định triển khai căn cứ quân sự ở Phần Lan, một thành viên mới gia nhập NATO, sẽ cản trở đến Nga một cách mạnh mẽ.

Sau khi Phần Lan gia nhập NATO, Helsinki và Washington đã tiến tới một thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai quân đội trên đất Phần Lan và sử dụng lãnh thổ, căn cứ quân sự của Phần Lan để cất giữ thiết bị và khí tài quân sự của Mỹ.

Với việc Washington đang lên kế hoạch thực hiện các hiệp ước tương tự với Thụy Điển và Đan Mạch, sự ổn định trong khu vực có thể sớm vượt khỏi tầm kiểm soát. Đặc biệt hơn, sự tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực cho phép Mỹ kiểm soát một trong những lối vào Tuyến đường biển Bắc của Nga.

Tuyến đường biển phía Bắc - một tuyến đường vận chuyển chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga - gần đây đã trở thành một huyết mạch giao thông nổi bật và Moscow hiện đang tìm cách tăng cường lưu lượng hàng hóa và hàng hải dọc theo tuyến đường đó.

Với lợi thế từ việc băng tan dần mở ra tuyến đường biển mới chạy dọc lãnh thổ Nga giáp với Bắc Cực, nước này đang tích cực thúc đẩy hải trình mới với triển vọng thay thế kênh đào Suez vốn có các rủi ro về cướp biển, tắc nghẽn...

Với tiềm năng quân sự mạnh mẽ của mình, Nga tự tin sử dụng đội tàu phá băng cùng các hệ thống phòng thủ đảm bảo không có các rủi ro tương tự với hàng hóa vận chuyển bằng Tuyến đường Biển Bắc.

"Sự xuất hiện của các căn cứ quân sự của NATO ở lối vào Tuyến đường biển phía Bắc sẽ đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường các biện pháp an ninh, củng cố Hạm đội phương Bắc của chúng tôi và thậm chí có thể triển khai các tàu chiến của chúng tôi để hộ tống các tàu chở hàng nhằm bảo vệ các tàu chở hàng khỏi bất kỳ hành động khiêu khích nào" - ông Knutov nhấn mạnh.

Vị chuyên gia nói thêm rằng sự leo thang có thể xảy ra sau đó có thể khá nghiêm trọng, nhưng Nga không thể nhân nhượng trước áp lực do phương Tây gây ra vì nước này bảo vệ lợi ích và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Ông cũng lưu ý các kế hoạch quân sự của Mỹ đối với Phần Lan cho thấy, Helsinki đã không cố gắng đàm phán các vấn đề như số lượng binh sĩ NATO nước ngoài tối đa có thể được triển khai trên lãnh thổ của họ. Điều này cho thấy rằng Phần Lan sẵn sàng cho phép NATO sử dụng lãnh thổ của mình với "không có bất kỳ giới hạn nào".

Là một thành viên mới của NATO, Phần Lan đã ghi nhận mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm cao nhất kể từ những năm 1960 và đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, được củng cố bởi một số hoạt động mua sắm tốn kém, bao gồm cả từ Mỹ.

Chi tiêu quân sự của Phần Lan đã tăng từ 1,3% lên 2% GDP trong vòng vài năm, cho thấy mức tăng chi tiêu quân sự mạnh mẽ nhất ở EU.

Với việc quốc gia láng giềng gia nhập tổ chức NATO, phía Moscow đã lên án động thái này làm gia tăng căng thẳng không cần thiết trong tình hình hiện nay.

Nếu Phần Lan tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận cho phép Mỹ đặt các căn cứ quân sự, Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả quân sự-kỹ thuật và các biện pháp trả đũa khác.

"Theo dõi kế hoạch của NATO đối với Phần Lan, chúng tôi xác nhận rằng Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả, bao gồm cả các biện pháp quân sự-kỹ thuật và các vấn đề khác, để giảm thiểu mối đe dọa về an ninh quốc gia của chúng tôi trong mối quan hệ này," - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ