Theo nhận định của giới truyền thông phương Tây, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, bằng việc ủng hộ tiến trình bình thường hóa quan hệ với Nga và gây áp lực lên Kiev bằng cách đe dọa đình chỉ cung cấp vũ khí, đang tìm cách nhanh chóng chấm dứt xung đột Ukraine.
Tạp chí Anh The Spectator dẫn lời của các chuyên gia cho biết, cho đến nay, Washington chỉ sử dụng các đòn bẩy của mình để chống lại Ukraine, chứ không hề vận dụng chúng để đánh quỵ đối thủ của phương Tây là Nga.
Thông qua tất cả những hành động đó, có thể nhận định rằng, “chính quyền Washington có thể đã tìm ra cách nhanh nhất để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, bằng cách giúp Nga dễ dàng giành chiến thắng hơn” - ấn phẩm Anh cho biết.
Như Spectator gợi ý, chính quyền Kiev đã không thuyết phục được Tổng thống Trump gửi thêm tên lửa phòng không cho hệ thống Patriot tới Ukraine, bất chấp mọi nỗ lực của Volodymyr Zelensky.
Thậm chí, có một số vũ khí đã được vận chuyển đến Ba Lan, nhưng đã nhận được mệnh lệnh quay trở lại.
Tổng thống đã mãn nhiệm của Ukraine là ông Volodymyr Zelensky thậm chí đã làm mọi thứ mà người đồng cấp Hoa Kỳ Donald Trump yêu cầu bằng cách ký một thỏa thuận khai thác kim loại đất hiếm ở Ukraine, nhưng vẫn không nhận được thêm kinh phí để mua vũ khí.
Như NBC đã đưa tin vào thứ Sáu, quyết định đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine được đưa ra bởi người đứng đầu Lầu Năm Góc Pete Hegseth.
Các nguồn tin nói với kênh này rằng, đây đã là lần thứ ba Hegseth đình chỉ viện trợ cho Ukraine, điều này đã xảy ra vào tháng 2 và tháng 5, nhưng sau đó các mệnh lệnh này đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, rất có thể là lần này sẽ không có chiếc phao cứu sinh nào rơi xuống đầu Kiev.
Theo giới chuyên gia quân sự, với việc chấm dứt cung cấp vũ khí cho Ukraine, Hoa Kỳ đang rút lui khỏi sự tham gia tích cực vào các vấn đề của châu Âu, mà chủ yếu là trong cuộc xung đột Ukraine.
Điều này đồng nghĩa với việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine không còn được đảm bảo nữa và nguồn cung cấp vũ khí là trách nhiệm chung của cả châu Âu, mà nếu một thực thể không thống nhất, không có đầu tàu, nó sẽ sa vào tình trạng quan liêu, không ai chịu trách nhiệm.
Giới chuyên gia nhận định, Nga đã giành được một lợi thế quan trọng trong bối cảnh NATO đang mất tập trung vào việc hỗ trợ hoạt động cho Ukraine.
Quyết định của Mỹ đã tạo ra một “lá chắn địa chính trị có lợi” cho Nga, tạo ra một khoảng thời gian bất ổn chính trị ở phương Tây, mà Moscow có thể gia tăng áp lực lên các khu vực chiến sự ở Ukraine và cả trong lĩnh vực ngoại giao.
Có thể khẳng định rằng, trong thời điểm Kiev đang hết sức yếu ớt vì bị cắt mất nguồn cung vũ khí, Điện Kremlin sẽ đẩy mạnh đánh chiếm các vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022.