Động cơ nào cho cuộc gặp gỡ
Theo quan chức này, Diosdado Cabello, người được coi là quyền lực nhất ở Venezuela sau Tổng thống Maduro, đã gặp gỡ một người có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Trump tại Caracas. Cuộc họp thứ hai đang được lập kế hoạch nhưng chưa diễn ra. Cabello là một nhà môi giới quyền lực lớn ở Venezuela, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong chính phủ và lực lượng an ninh mở rộng trong giai đoạn quyền lực của ông Maduro suy yếu. Đây cũng là nhân vật bị các quan chức Mỹ cáo buộc đứng sau những vụ tham nhũng lớn, buôn bán ma túy và thậm chí là đe dọa một thượng nghị sĩ Mỹ.
Theo quan chức này, chẳng đời nào Mỹ lại chống lưng cho Cabello hoặc mở đường cho nhân vật này thay thế Maduro. Thay vào đó, mục tiêu của việc tiếp cận này là nhằm tăng áp lực lên chế độ Maduro bằng cách thúc đẩy cuộc đấu mà Mỹ tin rằng đang diễn ra ở chính trường Venezuela, giữa các nhóm trong đảng cầm quyền.
Ông Cabello, 56 tuổi, một người có quan điểm kinh tế thực dụng hơn và ít liên kết về mặt tư tưởng với Cuba hơn, từ lâu đã được coi là đối thủ của Maduro. Mặc dù không nằm trong số các quan chức cấp cao có ý định loại bỏ Maduro hồi tháng 4 vừa qua, nhưng ảnh hưởng của viên trung úy quân đội đã nghỉ hưu này trong chính phủ và lực lượng an ninh càng mở rộng, với việc bổ nhiệm một người anh em họ đứng đầu quân đội và bố trí một đồng minh khác vào vị trí lãnh đạo của lực lượng cảnh sát tình báo SEBIN.
Khi được hỏi về vấn đề này, Cabello đã không trả lời ngay lập tức. Nhưng một trợ lý giấu tên của ông này cho biết phía Mỹ đã tìm cách thiết lập liên lạc với Cabello. Người này cũng bác bỏ quan điểm Cabello phản bội Maduro và nói rằng ông ta sẽ chỉ gặp người Mỹ với sự cho phép của tổng thống và khi hành động này góp phần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Khi cuộc khủng hoảng ở Venezuela bắt đầu, một mô hình có thể dự đoán đã xuất hiện khi Juan Guaidó, người mà Mỹ và hàng chục quốc gia khác công nhận là nhà lãnh đạo mới của Venezuela, đã không thể thuyết phục quân đội và nắm quyền lực. Thế nhưng, ông Maduro cũng không đủ sức mạnh để bắt giữ đối thủ hoặc giải cứu nền kinh tế sụp đổ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt của Mỹ. Ngay trong tháng này, Mỹ tiếp tục thêm một lệnh trừng phạt mới nhằm tịch thu toàn bộ tài sản của chính phủ Maduro tại Mỹ và đe dọa sẽ trừng phạt các công ty từ các nước thứ ba tiếp tục làm ăn với Maduro.
Ông Maduro tiến thoái lưỡng nan
Các cuộc thảo luận giữa phe đối lập và chính phủ Venezuela do Na Uy tài trợ đã diễn ra một cách chậm chạp và ông Maduro đã buộc phải dừng lại, với lý do ông Guaidó đã tổ chức lễ kỷ niệm lệnh phong tỏa tàn bạo của Mỹ. Các cuộc thảo luận này không có sự tham gia của Cabello, quân đội Venezuela hay đại diện chính phủ Mỹ.
Để phá vỡ bế tắc, một số người tìm đến Mỹ để đưa ra kế hoạch bảo vệ những người trong chính phủ Venzuela nhưng chống lại Maduro, để họ không bị truy tố trong tương lai. Phía Mỹ đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng sẽ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt về mặt xã hội nếu họ thực hiện “những hành động cụ thể và có ý nghĩa” để chấm dứt sự cai trị của ông Maduro. Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với cựu Giám đốc gián điệp của Maduro, tướng Manuel Cristopher Figuera, sau khi đào tẩu sau một cuộc nổi dậy quân sự thất bại.
Là người đứng đầu hội đồng lập hiến, ông Cabello có quyền loại bỏ Maduro, một vị trí có thể có ích trong bất kỳ quá trình chuyển đổi đàm phán nào. Nhưng cho đến nay, nhân vật này vẫn điều hành hội đồng này và không có dấu hiệu lừa dối.
Không ai rõ ai là người khởi xướng việc thiết lập liên lạc với ông Cabello. Nhưng nguồn tin của AP cho biết ông Cabello bí mật bàn bạc sau lưng ông Maduro, mặc dù hàng ngày vẫn thể hiện lòng trung thành với lãnh đạo của mình và thường xuyên thể hiện sự chống đối đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một nguồn tin khác cũng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino và Bộ trưởng Nội vụ Néstor Reverol nằm trong số những người tiếp xúc gián tiếp với người Mỹ. Người này cũng nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Maduro trong vòng cương tỏa hiện nay.