Lệnh bắt tàu Grace 1 của Iran cũng cáo buộc rằng “một kế hoạch tiếp cận bất hợp pháp vào hệ thống tài chính Mỹ nhằm hỗ trợ các chuyến hàng bất hợp pháp của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố nước ngoài, từ Iran tới Syria. Kế hoạch này dính líu tới nhiều bên có liên hệ với IRGC và thực hiện những chuyến đi lừa đảo của Grace 1. Một mạng lưới các công ty vỏ bọc được cho là đã rửa tiền hàng triệu USD để hỗ trợ những chuyến đi như vậy” – Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Tàu Grace 1 được thả hôm 15/8 sau khi Gibraltar thông báo đã nhận được đảm bảo từ thuyền trưởng rằng con tàu sẽ không chở hàng tới Syria. Các thủy thủ trên tàu cũng được thả.
Tuy nhiên, hôm qua (16/8), phát ngôn viên Abbas Mousavi của Bộ Ngoại giao Iran nói rằng Tehran không đảm bảo rằng tàu Grace sẽ không tới Syria sau khi được thả.
Ông Mousavi khẳng định một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran trước đó rằng tàu dầu trên không hướng về Syria khi nó bị Hải quân Hoàng gia Anh bắt ở ngoài khơi Gibratal ngày 4/7. Trong khi đó, ông nhấn mạnh rằng Iran đang hỗ trợ Syria trong các lĩnh vực như năng lượng và dầu mỏ.
Hôm 15/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đe dọa “hậu quả nghiêm trọng” đối với bất kỳ cá nhân nào có liên quan tới tàu dầu Grace 1 của Iran, trong đó có việc giới hạn visa vì cáo buộc liên quan tới IRGC.
Washington và Tehran đã ở trong mối quan hệ căng thẳng kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) vào năm ngoái và tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào quốc gia Trung Đông này.