MV đề tài đồng tính, “tiểu tam”: Hiệu ứng 2 chiều

GD&TĐ - Trên thị trường Vpop hiện nay, phần lớn các MV nhạc Việt đều tập trung khai thác chủ đề tình yêu “tay ba” vô cùng kịch tính, nói cách khác, yếu tố drama được đẩy lên cao trào.

Một bộ phận khán giả dần quay về với những MV mang đến sự yên bình, nhẹ nhàng với những cảnh trồng rau, nấu ăn.
Một bộ phận khán giả dần quay về với những MV mang đến sự yên bình, nhẹ nhàng với những cảnh trồng rau, nấu ăn.

Đáng nói, những nhân vật “tiểu tam”, “trà xanh” được khai thác quá nhiều khiến các MV trở nên nhàm chán, đôi khi phản cảm và dần đánh mất giá trị cốt lõi của âm nhạc.

Âm nhạc thuần túy

Làm MV ca nhạc đề tài đồng tính, “tiểu tam” cũng giống như chơi dao hai lưỡi. Nghệ sĩ phải có cái nhìn khách quan, cẩn trọng để sản phẩm truyền tải được thông điệp nhân văn. Sản phẩm dễ tạo được chú ý vì khai thác đề tài hot nhưng nếu thiếu sự tinh tế, sa vào chiêu trò sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi. Suy cho cùng, giá trị cốt lõi của một sản phẩm âm nhạc vẫn là… âm nhạc. 

Thế giới có biết bao nghệ sĩ thành công chỉ bằng giọng hát, âm thanh và giai điệu họ tạo ra mà không cần khai thác hình ảnh quá đà, cũng không cần hiệu ứng “drama” trong các MV.

Nói cách khác, họ không ép khán giả phải xem những câu chuyện quá rườm rà trong các MV, mà chỉ cần nhắm mắt để cảm thụ âm nhạc. Ví như Adele – một nữ ca sĩ người Anh, mỗi lần tung MV đều khiến các bảng xếp hạng âm nhạc trên toàn thế giới chao đảo.

Đáng nói, cô thuyết phục khán giả bằng giọng hát, ca từ và thông điệp sâu sắc trong các MV đen trắng vô cùng giản dị. Nói về âm nhạc, Adele từng bày tỏ: “Nếu âm nhạc của tôi có thể chạm tới được cảm xúc của người nghe thì có nghĩa là họ cũng đã thấu hiểu được chính con người tôi và những gì mà tôi đã trải qua. Đó là điều tôi thấy mãn nguyện”. 

Trở lại thị trường nhạc Việt, Vpop đang ngập tràn những MV đề tài LGBT, “tiểu tam”, “trà xanh”, nhưng vẫn có những nghệ sĩ kiên định với tư duy âm nhạc của mình. Những MV như Hai triệu năm của Đen Vâu, Vì tôi còn sống của Tiên Tiên đã tạo hiệu ứng mạnh dù chỉ được thực hiện theo cách vô cùng đơn giản. 

Vì tôi còn sống có chi phí khoảng 5 triệu đồng. Được biết, ê-kíp thực hiện MV này chỉ gồm 3 người: Tiên Tiên, quay phim Huy Trần và nghệ sĩ đường phố, diễn viên múa Nguyễn Duy Thành với bối cảnh ở Hội An (Quảng Nam).

Tương ứng, phần hình ảnh cũng đơn thuần ghi lại hành trình trong chuyến du lịch hài hước và nhẹ nhàng của bộ đôi áo đen. Nhờ đó mà khán giả cảm nhận được an yên, thoải mái, đúng như tinh thần của ca khúc: Vì tôi còn sống nên tôi phải tận hưởng cuộc sống hiện tại. 

Chi phí cho ra đời MV cover “Vài lần đón đưa” chỉ mất 100.000 đồng tiền xăng.
Chi phí cho ra đời MV cover “Vài lần đón đưa” chỉ mất 100.000 đồng tiền xăng.

Có thể thấy, gần đây, một bộ phận khán giả dần quay về với những MV mang đến sự yên bình, nhẹ nhàng, hạnh phúc với những cảnh trồng rau, nấu ăn, hơn là những MV drama tình yêu “nhức não”. Sau thành công của Bài này chill phết, Hai triệu năm khiến tên tuổi của Đen Vâu ngày càng được yêu mến.

Xuyên suốt MV thời lượng gần 4 phút chỉ là hình ảnh Đen đắm mình trong làn nước biển, lộ mỗi phần đầu. Bối cảnh được lựa chọn cũng cực kì đơn giản: Bốn bề chỉ là nước và nước, gần cuối video có thêm sự xuất hiện của yếu tố mưa. Tuy nhiên, khi được lồng ghép vào phần ca từ giàu tính chiêm nghiệm, hình ảnh trong Hai triệu năm lại cực đa tầng, đa nghĩa.  

Sản phẩm Vài lần đón đưa của Soobin Hoàng Sơn và Hoàng Touliver lại chinh phục khán giả chỉ bằng một video ghi lại cảnh cả hai phiêu theo nhạc trong chiếc ô tô chứ chưa thể gọi là MV.

Theo chia sẻ của Hoàng Touliver, phần hình ảnh được anh và Soobin thực hiện bằng cách gắn một máy quay trên xe hơi và chạy quanh TPHCM để có những thước phim trọn vẹn nhất. Chi phí cho ra đời MV cover Vài lần đón đưa chỉ mất 100.000 đồng tiền xăng nhưng lại thu về đến hơn 40 triệu view sau 1 năm 5 tháng phát hành. 

Giá trị cốt lõi của âm nhạc

Trong năm 2019 - 2020, các MV khai thác chủ đề về LGBT, “tiểu tam” liên tiếp được phát hành, thu hút sự chú ý của dư luận. Hương Giang Idol từng khiến khán giả “nghẹt thở” vì những màn trả thù cô dành cho “tiểu tam” trong các MV. Đặc biệt, năm 2020, cô tung phần cuối của series Anh đang ở đâu đấy anh tựa đề Tặng anh cho cô ấy với những tình tiết giữa chính thất và tiểu tam vô cùng gây cấn.

Nhưng chính điều này khiến khán giả đặt nghi vấn: Nếu không làm những MV đậm đặc drama, khán giả sẽ chẳng bận tâm đến giọng hát quá bình thường của nữ ca sĩ. Hơn nữa, yếu tố quá kịch tính trong mối quan hệ “tay ba” khiến họ cảm thấy chán nản, mệt mỏi. 

MV Tự tâm của Nguyễn Trần Trung Quân cũng bị cho là lạm dụng yếu tố đam mỹ để “câu” khán giả khi có nhiều cảnh quay táo bạo, thân mật giữa vị hoàng đế (Trung Quân) và nhạc công Bạch Liên (Denis Đặng).

Khán giả “nóng mặt” với những cảnh quay nhạy cảm trong MV “Nước chảy hoa trôi”.
Khán giả “nóng mặt” với những cảnh quay nhạy cảm trong MV “Nước chảy hoa trôi”. 

MV đã gây tranh cãi trong suốt thời gian qua. Việc ăn mặc “thiếu vải” của nam chính Denis Đặng, những phần thể hiện tình cảm quá lố và phản cảm đã bị khán giả “ném đá”, tẩy chay.

Chưa dừng ở đó, gần đây, “cặp đôi” Nguyễn Trần Trung Quân - Denis Đặng tiếp tục khai thác đề tài LGBT trong sản phẩm âm nhạc mới nhất mang tên Nước chảy hoa trôi.

Khán giả cảm thấy “nóng mặt” với những cảnh “giường chiếu” phản cảm giữa 2 nhân vật nam chính. Thậm chí nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại khi con em mình xem được những MV như vậy. 

Văn Mai Hương cũng nhập cuộc với đề tài đồng tính nữ trong MV Nghe nói anh sắp kết hôn. MV khai thác nỗi đau khi những cô gái trong cộng đồng LGBT phải kết hôn để vẹn chữ hiếu với cha mẹ đã nhận được sự cảm thông của khán giả.

Đến nay, cảnh hôn đồng tính trong Nghe nói anh sắp kết hôn vẫn nhận về phản ứng trái chiều của khán giả.

Nói về vấn đề này, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cho rằng: “Nếu khai thác đề tài “tiểu tam” hoặc LGBT chỉ để gây sự chú ý sẽ dễ bị khán giả phản ứng.

Làm MV về cộng đồng LGBT phải có sự thấu hiểu và sẻ chia. Dùng đề tài đồng tính để PR càng dễ gây phản cảm. MV dù có thuộc đề tài nào thì vẫn phải có sự hòa hợp giữa bài hát và hình ảnh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.